NHỮNG HÌNH ẢNH VỀ NGƯỜI TU SĨ
Người tu sĩ cũng được chọn để biến mình trở nên ngọn đèn chầu bên Nhà Tạm. Chẳng phải là những ánh hào quang chói chang, mà chỉ là một chút ánh sáng nhỏ lấp lánh. Miễn sao được gần Chúa…
“Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16). Lời nhắn nhủ này của Đức Giêsu làm nên căn tính của cái mà chúng ta thường gọi là đời dâng hiến. Quả vậy, dâng mình cho Chúa, sống trọn vẹn cho Chúa trong đời sống tu trì trước hết và trên hết không phải là ý muốn riêng tư của ai đó và càng không phải là nỗ lực đơn phương của họ. Nó xuất phát từ một lời mời gọi của Thiên Chúa, trong một sự tuyển lựa kỹ càng. Ai cũng lãnh nhận sứ mạng xây dựng Nước Chúa, nhưng có một số người được Thiên Chúa lựa ra, dạy dỗ một cách đặc biệt, để rồi sai họ ra đi, làm cho vườn nho Chúa trồng được kết trái đơm bông. Những con người này sống một đời sống khác với người khác một tí, làm những công việc cũng khác người ta một tí. Vì được kêu gọi cách đặc biệt nên đòi hỏi họ cũng phải từ bỏ nhiều hơn, dấn thân quyết liệt hơn, và trọn cuộc đời chỉ ôm ấp một ước mơ là được thuộc trọn về Chúa.
Những người sống đời dâng hiến được Thiên Chúa chọn để sống một đời sống hệt như ngọn nến nhỏ cháy sáng. Chẳng là gì to tát cả. Chỉ là một chút ánh sáng cỏn con thắp lên giữa bóng tối âm u. Người ta đi tu không phải để trở nên những con người vĩ đại hô phong hoán vũ, cầm đầu thiên hạ. Ngọn nến sáng là biểu tượng cho sự khiêm nhường, âm thầm, lặng lẽ. Chỉ cố hết sức giúp xua tan bóng tối vây quanh. Từng giây từng phút trôi qua, nó phải chịu tiêu hao đi, lụi tàn đi để ngọn lửa nhỏ được toả rạng. Chỉ là một con người nhỏ bé, người tu sĩ cố gắng cống hiến hết sức mình để phục vụ người khác, chứ không mang lấy tham vọng biến mình trở thành đấng cứu thế, có thể giải quyết được mọi chuyện lớn nhỏ dưới gầm trời. Một ngọn nến nhỏ chẳng thể nào xua tan toàn bóng đêm, nhưng nó góp phần thắp sáng lên những ngọn nến khác để cùng nhau biến bức màn đêm u tối của cuộc đời thành một màn trình diễn lung linh.
Người tu sĩ cũng được chọn để biến mình trở nên ngọn đèn chầu bên Nhà Tạm. Chẳng phải là những ánh hào quang chói chang, mà chỉ là một chút ánh sáng nhỏ lấp lánh. Miễn sao được gần Chúa, được chiêm ngắm Chúa đêm ngày, được hát ca bài chúc tụng Người… bấy nhiêu thôi cũng làm họ thoả mãn. Ngọn đèn chầu báo hiệu sự hiện diện của Thánh Thể, cũng giống như người tu sĩ là dấu chỉ cho thế gian biết về Thiên Chúa tối cao, Đấng hằng yêu thương và chăm sóc cho con người. Họ như cánh én báo hiệu mùa xuân. Bất cứ ai nhìn thấy họ, cũng hớn hở trào tràn niềm vui như thể sắp được diện kiến một điều gì đó tuyệt vời đang đến. Ngọn đèn chầu không toả sáng vì chính mình, cánh én không là dấu hiệu cho chính mình, thì người tu sĩ cũng không bao giờ lôi kéo người khác về phía mình như thể mình là cùng đích. Họ là người dọn đường cho một Đấng sẽ đến sau, tuyệt vời hơn họ và cao cả hơn họ.
Đức Giêsu đã chọn một số người riêng biệt để thực thi sứ mạng của Ngài. Những người này hệt như cánh sen vươn lên giữa bùn lầy nhơ nhuốc. Vươn lên để không bị dính bén vào những cuộc đua tranh danh vọng và tiền tài, không thể bợn nhơ của vụ lợi làm mình vấy bẩn. Giữa dòng người đông đúc đang hùa mình chạy theo những xúi bẩy trần tục, người tu sĩ bỗng thấy mình sao chẳng thèm những điều ấy. Họ cất công đi tìm một giá trị khác cao hơn, thanh thoát hơn, làm cho họ thấy được giá trị cao cả của mình hơn. Lối sống của họ, vì không giống ai nên có thể bị người ta dèm pha chế giễu, nhưng thực ra, đó là một chọn lựa vĩ đại, đẹp tựa cánh sen, mộc mạc và giản dị. Bằng chọn lựa bỏ mình, họ được cất ra khỏi đám bùn lầy, đón nắng mai tươi đẹp như dấu chỉ cho nước Thiên Đàng.
Người tu sĩ được Thầy Giêsu sai đi vào thế giới để dựng xây Nước Trời. Mà thế giới thì rộng lớn lắm, xây dựng Nước Trời biết khi nào mới xong. Người tu sĩ được mời gọi để sống như thể cánh chim tung bay thoải mái trên bầu trời sứ mạng. Giữa khoảng không bao la và nhu cầu phục vụ không bao giờ ngừng nghỉ, người tu sĩ cứ thế mà cất bước ra đi, soãi cánh bay qua những miền này thôn nọ, lấy lý tưởng dấn thân làm mục tiêu, họ chẳng bao giờ đậu neo ở một nơi nào cả. Bầu trời rộng lớn bao nhiêu, lòng của họ cũng trải ra như vậy. Điều này đòi hỏi nơi họ một sự từ bỏ rất lớn lao, bỏ những vật chất, bỏ ước muốn riêng, bỏ phán đoán cá nhân và có khi họ phải biết cách làm chủ những cảm xúc của mình. Con người nào mà chẳng có trái tim, để nhớ, để luyến lưu… Nhưng để có thể trở thành một cánh chim bay trên hành trình sứ mạng, họ chỉ biết tiến về phía trước, chứ không thể “ngoái lại đàng sau”.
Thế giới này sẽ ra sao, nếu không có đời dâng hiến hay chẳng ai muốn sống cho một cuộc sống hiến dâng? Chắc là mỗi người cứ lo cho cuộc sống của mình thôi. Rồi người ta cứ mãi mê chạy đua theo sự đưa đẩy của dòng đời. Tạ ơn Chúa vì Ngài đã thương và chọn những người tu sĩ để họ lao tác cho cánh đồng của Ngài. Ước gì những người được Chúa chọn luôn ý thức rõ về món quà cao quý này để luôn không ngừng phấn đấu cải thiện bản thân, sống sao cho xứng với ơn gọi cao đẹp đã lãnh nhận. Và cũng ước gì mọi tín hữu luôn hiệp ý cầu nguyện cho các tu sĩ, giúp họ chu toàn sứ mạng của mình, bởi lẽ, tu sĩ không phải là thần thánh, họ vẫn có xác có thịt, với trọn vẹn những yếu đuối của kiếp người. Hơn bao giờ hết, họ cần ơn Chúa và sự nâng đỡ của mọi người.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ