Cháu sẽ gọi tên là Gioan.
24/06 – Chúa Nhật tuần 12 Thường Niên năm B – SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ. Lễ Trọng.
“Nó sẽ gọi tên là Gioan”.
Lời Chúa: Lc 1, 57-66. 80
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà.
Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”. Họ bảo bà rằng: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”.
Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”. Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel.
24/06 – Chúa Nhật tuần 12 Thường Niên năm B
“Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người”.
Lời Chúa: Mc 4, 35-40
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”.
Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người.
hợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?”
Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”
Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Suy niệm
Giới trẻ ngày nay xem ra thích mừng sinh nhật hơn mừng lễ bổn mạng.
Ngày vui ấy thường đi với quà, tiệc mừng và những lời cầu chúc.
Thật ra mừng sinh nhật có thể là một hành vi mang nhiều tính tôn giáo.
Tôi nhớ đến ngày tôi được sinh ra,
một sinh linh bé nhỏ chào đời,
mang hình ảnh của Thiên Chúa, mang khuôn mặt của Đức Giêsu.
Ngày ấy quan trọng và đáng nhớ ngay cả đối với chính Thiên Chúa.
Dù thế giới có hơn 6,7 tỷ người thì một hài nhi mới sinh
cũng có một chỗ đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa.
Thiên Chúa có những ước mơ và dự tính riêng về từng con người.
Chẳng ai chào đời một cách tình cờ và ngẫu nhiên.
Mỗi người đều cần cho kế hoạch lớn của Thiên Chúa.
Mừng sinh nhật một cách nghiêm túc lại trở thành một lễ tạ ơn.
Tạ ơn Chúa đã cho tôi được làm người ở đời.
Bất chấp những khổ đau vấp ngã, những thất bại đắng cay,
tôi vẫn xin được yêu mảnh đời Chúa dệt cho tôi.
Hôm nay Giáo Hội mừng sinh nhật của thánh Gioan Tẩy Giả.
Chỉ có Đức Giêsu và Mẹ Maria mới được mừng ngày sinh trong phụng vụ.
Điều đó cho thấy sinh nhật của Gioan là biến cố có ảnh hưởng lớn.
Bài Tin Mừng hôm nay nói vắn gọn về chuyện sinh hạ và cắt bì Gioan,
nhưng kể dài hơn về chuyện đặt tên cho em.
Chúng ta có thể cảm được niềm vui lớn lao của người mẹ là bà Êlisabét.
Niềm vui này đã bắt đầu từ khi bà có thai Gioan.
Chẳng biết bà bao nhiêu tuổi, chỉ biết là bà đã cao niên lại không sinh con.
Hiếm muộn thời xưa thường bị coi là do người vợ.
Đó là một sự sỉ nhục (St 30, 23) và là một hình phạt của Chúa (2 Sm 6, 23).
Nhưng bà Êlisabét lại là người công chính thuộc dòng tư tế Aharon,
“sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa,
không ai chê trách được điều gì” (Lc 1,6).
Bà đã sống với nỗi đau này trong nhiều năm, sau bao lần chờ đợi và thất vọng.
Khi biết mình có thai trong lúc tuổi già,
bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó,
khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước người đời (Lc 1,25).
Ngày sinh của Gioan là ngày vui đặc biệt cho bà, người làm mẹ lần đầu.
Niềm vui ấy còn được nhân lên vì bà sinh một cậu con trai.
Láng giềng, thân thích đến chung vui với bà vì bà được Chúa thương.
Chúng ta không rõ bởi đâu mà Êlisabét đòi phải đặt tên cho con mình là Gioan.
Chỉ biết bà đã phản ứng quyết liệt chuyện đặt tên con là Dacaria.
Nhưng quyết định của người cha mới là quan trọng,
vì người cha thường là người có quyền đặt tên cho con,
qua đó nhìn nhận người con ấy là của mình (x. Mt 1, 21).
Ông Dacaria chẳng những bị câm, lại còn điếc nữa,
nên người ta phải làm hiệu để hỏi ý ông.
Khi ông viết trên bảng tên “Gioan” thì mọi người chưng hửng.
Chính lúc ấy một phép lạ xảy ra: ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa.
Gioan là tên mà sứ thần đã dặn ông lúc dâng hương trong Đền thờ.
Gioan (Yôkhanan) có nghĩa là ĐỨC CHÚA thi ân.
Gioan thật là một ơn của Chúa và sẽ đóng một vai trò trong lịch sử cứu độ.
Chúng ta để ý đến vai trò của bà con láng giềng trong bài Tin Mừng này.
Họ đến chung vui, can thiệp ít nhiều vào chuyện đặt tên đứa trẻ.
Họ bỡ ngỡ với cái tên Gioan, và kinh sợ khi ông Dacaria nói lại được.
Việc sinh hạ Gioan quả đã được vây bọc bởi nhiều chuyện lạ lùng.
Tiếng vang không chỉ nơi láng giềng thân thích,
mà còn được loan truyền khắp vùng đồi núi xứ Giuđê (c. 65).
“Rồi đây đứa trẻ này sẽ ra thế nào?”
Đó là câu hỏi mà ai cũng để tâm suy nghĩ sau khi nghe câu chuyện.
Hẳn là em này sẽ có một định mệnh và ơn gọi đặc biệt.
Có thể sau đó mọi sự lại lắng xuống,
còn cậu Gioan thì vẫn lớn lên, tinh thần vững mạnh.
Cậu không lập gia đình và sống trong hoang địa, chờ ngày đến với Ítraen.
Mừng sinh nhật của thánh Gioan Tẩy Giả,
chúng ta thấy được sự khiêm tốn của Thiên Chúa.
Để giới thiệu Con của Người là Đức Giêsu cho dân Ítraen,
Thiên Chúa cần đến Gioan, một người dọn đường.
“Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng
kêu gọi toàn dân Ítraen chịu phép rửa tỏ lòng sám hối” (Cv 13, 24).
Và Thiên Chúa đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc sinh hạ của con người này.
“Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ,
lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi” (Is 49,1).
Hình ảnh người Tôi Trung trên đây trong Isaia khá hợp với Gioan.
“Người là đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ
để tôi trở thành người Tôi Trung đem nhà Giacóp về cho Người…” (Is 49,5).
Hóa ra việc Thiên Chúa chọn, gọi và giao sứ mạng
đã diễn ra ngay từ con người chỉ mới là phôi thai trong lòng mẹ.
Điều này đúng với Gioan:
“Em sẽ được đầy Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ.
Em sẽ đưa nhiều con cái Ít raen về với Đức Chúa…
và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1, 15-17).
Gioan đã được gọi để làm ngôn sứ cho dân tộc của ngài,
giúp cho dân Ítraen đón nhận Đấng đến sau ông nhưng lại có trước ông.
Ơn gọi ấy đã làm cho ông hiện hữu ở trên đời.
Cuộc sinh hạ của Gioan được coi là kỳ lạ.
Thật ra cuộc sinh hạ nào cũng là một màu nhiệm lạ lùng.
Khi rửa tội một em bé mới sinh,
chúng ta cũng vẫn đặt câu hỏi: Em này rồi sẽ ra sao?
Đâu là định mệnh tương lai của em?
Đâu là con đường riêng mà Chúa muốn em đi?
Chúng ta chỉ mong bàn tay Chúa ở với em (Lc 1, 66).
Những thai nhi, những hài nhi, những trẻ thơ hôm nay ở quanh ta
cũng được hiện hữu và được trao một sứ mạng.
Mừng sinh nhật một vị thánh, chúng ta thêm trân trọng sự sống nơi các em,
và thấy mình có bổn phận nâng đỡ để các em đi con đường Chúa muốn
và trở thành những người đưa dân tộc Việt Nam đến với Chúa.
THỬ THÁCH TRONG CUỘC ĐỜI
Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt
Trong đời ta gặp nhiều trường hợp giả vờ rất đáng yêu. Chẳng hạn bà mẹ trẻ giả vờ trốn đứa con nhỏ, để nó phải lo âu đi tìm. Và khi thấy nó đã lo âu đến độ tuyệt vọng, sắp khóc đến nơi, bấy giờ bà mẹ mới xuất hiện. Vừa thấy bà mẹ xuất hiện, đứa trẻ vui mừng khôn xiết. Và nó càng yêu mến, càng bám chặt lấy mẹ nó hơn nữa.
Chúa Giêsu cũng có nhiều lần giả vờ như thế. Lần giả vờ được minh nhiên ghi lại trong Tin Mừng là khi Người cùng hai môn đệ đi trên đường Emmaus. Khi đã đến nơi, Người giả vờ muốn đi xa hơn, làm cho các môn đệ phải tha thiết nài nỉ Người mới chịu ở lại. Khi Người ở lại, các môn đệ vui mừng khôn xiết. Và niềm vui lên đến tuyệt đỉnh khi các môn đệ nhận ra Người lúc bẻ bánh.
Hôm nay tuy Tin Mừng không minh nhiên ghi lại, nhưng ta có thể đoán biết Chúa Giêsu đang giả vờ. Vì sóng to gió lớn dập vùi làm cho thuyền chòng chành nghiêng ngả, nước tràn vào đến nỗi thuyền có nguy cơ bị chìm đắm, trong khi đó các tông đồ xôn xao chạy ngược chạy xuôi, hò hét nhau tìm cách tát nước ra. Giữa khung cảnh như thế, làm sao có thể nằm ngủ ngon lành được. Chỉ có thể là giả vờ. Việc giả vờ của Chúa phát xuất do tình yêu.
Vì yêu thương ta, Chúa muốn ta đáp lại tình yêu thương của Chúa. Đó là định luật thông thường trong tình yêu. Khi yêu ai cũng muốn được đáp trả. Chúa không đi ra ngoài định luật thông thường đó. Người tha thiết yêu ta. Người mong ta yêu mến gắn bó với Người, nên đôi khi Người giả vờ lãng quên để ta nhớ mà chạy đến với Người, gắn bó với Người hơn. Như bà mẹ muốn đứa con tỏ ra cần đến mẹ, tha thiết đi tìm mẹ, hốt hoảng khi không thấy mẹ, Chúa cũng mong ta cần đến Chúa, tha thiết đi tìm Chúa và hốt hoảng lo âu khi thấy vắng bóng Chúa.
Vì yêu thương ta, Chúa muốn rèn luyện ta nên người. Để rèn luyện ta, Chúa gửi những thử thách tới. Cuộc đời ví như mặt biển cả mênh mông. Mỗi người là một con thuyền lênh đênh trên mặt nước. Sóng gió là những thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp ta trưởng thành ở ba phương diện.
Những thử thách giúp ta biết mình hơn. Bình thường ta nghĩ mình chẳng kém thua ai. Nhưng khi gặp thử thách mới biết mình thật yếu đuối. Thánh Phêrô thấy Chúa đi trên mặt nước thì tưởng mình cũng đi được. Nhưng chỉ được mấy bước đã chìm xuống. Các tông đồ là những bạn chài đã quen với sóng nước. Thế mà vẫn kinh hoảng trước bão tố. Đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa làm, nhưng khi gặp gió bão vẫn hoảng kinh. Thử thách giúp ta biết mình. Biết mình để thêm khôn ngoan, thêm trông cậy và nhất là để biết rèn luyện bản thân cho tiến bộ hơn.
Thử thách giúp ta biết yêu mến, cậy trông vào Chúa hơn. Có thử thách ta mới biết sức mình, biết có những việc ở ngoài tầm tay của mình, chẳng ai có thể giúp mình ngoài Chúa. Vì thế gặp nhiều thử thách giúp ta biết cậy trông phó thác vào Chúa hơn. Gặp thử thách ta mới biết chẳng ai yêu thương ta bằng Chúa. Chúa sẽ không để ta bị thử thách quá sức chịu đựng, nên ta sẽ biết yêu mến Chúa hơn.
Thử thách giúp đức tin vững mạnh. Chẳng có thử thách nào kéo dài mãi mãi. Chúa chỉ cho thử thách một thời gian. Rồi Chúa lại can thiệp để sóng yên biển lặng. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn. Để từ nay các ngài không còn cuống quít lo sợ mỗi khi gặp gian nan nữa. Đời sống mỗi người chúng ta cũng thế. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng.
Đời sống không thể thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người. Hơn nữa Chúa luôn ở bên ta. Vì thế ta hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh. Thử thách rồi sẽ qua đi. Nhưng cách ta phản ứng trước thử thách lại tồn tại và tạo thành giá trị đời ta. Ước gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng, lòng cậy và lòng mến Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Tại sao Chúa cho ta bị thử thách? Thử thách có cần thiết không?
2) Thử thách giúp ta trưởng thành thế nào?
3) Ta phải sống thế nào trong thử thách để vượt lên trên thử thách?
CHỨNG NHÂN CỦA CÕI VĨNH HẰNG – ĐGM. Bùi Tuần
Khi nhìn thánh Gioan Baotixita, tôi thấy vẻ bề ngoài của Ngài không có gi hấp dẫn cả. Y phục thì khó nghèo. Ăn uống thi khổ cực. Cách sống thi khắc khổ. Cho ở thì thô sơ. Lúc thì ở rừng rú, lúc thì ở sa mạc, nay đây mai đó.
Thế mà, con người như vậy lại được Phúc Âm gọi là đấng dọn đường cho Chúa, là đấng làm phép rửa cho Đức Kitô, là đấng giới thiệu Chúa Cứu thế, là đấng trọng hơn mọi người nam trên thế gian này.
Điều đó chứng tỏ nhưng vẻ đẹp bề ngoài chưa hẳn là thước đo giá trị con người. Thước đo giá trị con người chính là cái đẹp bên trong, cái đẹp nội tâm, cái đẹp phản ánh nhưng chân thiện mỹ vĩnh hằng.
Riêng đối với tôi, thánh Gioan Baotixita lôi cuốn tôi do mấy điểm sau đây của Ngài.
Điểm thu hút thứ nhất là nếp sống tu thân. Việc tu thân của Ngài không phải chỉ là từ bỏ đời sống sung túc, dễ chịu, để chọn cuộc đời nghèo khó, khắc khổ. Nhưng nhất là ở chỗ Ngài rất khiêm nhường. Ngài ví mình như tiếng kêu trong sa mạc. Ngài coi mình chỉ là kẻ dọn đường cho Chúa. Ngài nhận mình hèn mọn thấp kém, đến nỗi không đáng cởi dây giày cho Đấng Cứu thế. Ngài mong muốn bước xuống thực thấp thực sâu, để Đấng Cứu thế được nổi lên thực cao, sao cho mọi người biết đến mà tôn kính tôn thờ.
Nếp sống tu thân của thánh Gioan Baotixita rất xa lạ với lối tu thân nơi một lớp người tôn giáo thời đó và thời nay. Họ tu thân, mà vẫn lo tìm thăng tiến địa vịi, hưởng thụ quyền lợi, lạm dụng chức tước.
Khi phong hoá bị suy đồi, tôn giáo bị tha hoá, nhân tố có sức cải cách sẽ phải là người tu thân đích thực ở trình độ cao. Thánh Gioan Baotixita được đào tạo suốt mấy chục năm tu thân trong sa mạc. Với nét tu thân dày dạn đó, Ngài vào đời với đầy ơn Chúa Thánh Thần và một uy tín rất lớn. Chính nét tu thân đầy uy tín đó đã lôi cuốn những người thiện chí, để họ sẵn sàng nghe lời Ngài giảng. Đề tài giảng của Ngài là rất đơn sơ, nhưng rất căn bản. Đó cũng chính là một sức thu hút rất mạnh.
Vì thế, đối với tôi,
Điểm thu hút thứ hai là đề tài giảng của Ngài.
Đề tài giảng của Gioan Baotixita được tóm lại trong một lời thôi. “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2). Có sám hối, thì mới tránh được cơn thịnh nộ của Chúa (Mt 3,7). Có sám hối thì công việc ta làm mới sinh được kết quả tốt (Mt 3,8). Sám hối là một cách rửa tâm hồn cho sạch, để nên người tốt, để nên con Chúa, và để đón nhận Nước Trời đang tới. Nước Trời chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại.
Khi thấy Chúa Giêsu đang tiến lại về phía mình, thánh Gioan Baotixita nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xoá tội trần gian… Tôi đã thấy Thánh Thần từ trời xuống ngự trên Ngài… Ngài là Đấng mà Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,29-34).
Một điều đáng chú ý, là khi Đức Kitô đã xuất hiện công khai, thì thánh Gioan Baotixita tìm cách lui vào bóng tối. Ngài muốn dồn hết danh dự cho Đấng Cứu thế. Ngài như muốn mọi người quên Ngài đi, để tập trung vào một Đức Giêsu Kitô thôi.
Tôi thấy sám hối và tập trung vào Đức Kitô là đề tài giảng rất cần thiết, để cải cách tôn giáo thời đó. Thời nay thiết tưởng cũng rất cần đề tài như vậy. Nhất là khi lương tâm nhiều người đang mất dần ý thức về tội, và khi Công giáo nhiều nơi đang đặt trọng tâm vào quá nhiều thứ cứu độ, còn chính Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất, thì bị lu mờ. Các thứ trung gian thi nhau che khuất Ngài. Sự kiện đáng buồn đó là một tiếng báo động. Chúng ta nên thức tỉnh trở về với gương thánh Gioan Baotixita.
Điểm thu hút sau cùng nơi thánh Gioan Baotixita là sự vững vàng phó thác trong những thử thách.
Thánh Gioan Baotixita đã gặp nhiều thử thách nặng nề, nhất là về mặt đức tin. Phúc Âm thánh Matthêu kể rằng: “Khi Gioan đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,2-3). Chi tiết trên đây cho ta thấy: Có thể Gioan Baotixita bị cám dỗ về con người của Đức Kitô cũng như về sứ mạng của chính Gioan. Sứ mạng của mình là giới thiệu Đấng Cứu thế. Mình đã giới thiệu Đấng đó. Nhưng Đấng đó có thực sự là Đấng Cứu thế không đây? Cơn cám dỗ như vậy có thể xảy ra cho Gioan. Trong cảnh tù cô đơn, cơn cám dỗ đó làm Gioan ray rứt, đắng cay. Nếu mình sai, thì mình sẽ bị coi như giả dối và vô dụng.
Nhưng Gioan đã vững vàng phó thác vào Chúa. Phó thác bằng cách sai môn đệ đến hỏi Đức Kitô. Phó thác bằng cách chấp nhận câu trả lời của Đức Kitô. Phó thác bằng cách vui lòng chết trong tù, mà không xin Đức Kitô làm phép lạ cứu Ngài ra khỏi cảnh bất công đó, để tiếp tục ra đi dọn đường phục vụ Đấng Cứu thế. Ngài dâng mình làm của lễ cho chính tình yêu.
Với ba nét thu hút trên đây, thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của cõi vĩnh hằng. Ngài nhìn về phía trước. Ngài sống cho phía trước. Phía trước có cõi đời đời. Trong cõi đời đời đó có Thiên Chúa hằng sống đang chờ đợi các con cái Người. Con cái Người sẽ đến được với Người nhờ tu thân, nhờ sám hối, nhờ tin cậy Đức Kitô, nhờ vững vàng vượt qua thử thách. Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy là chứng nhân như thánh Gioan Baotixita, tại Việt Nam này, ở địa phương này, trong hoàn cảnh hiện nay. Chúng ta rất yếu đuối, nhưng chính trong sự yếu đuối đầy khiêm nhường và tin cậy, Chúa sẽ tỏ sức mạnh của Người.
BTT
Tin cùng chuyên mục:
Biết ơn trường đời
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết