Đấng Tam Vị Nhất Thể
Chúng ta đang sống trong thế giới ba chiều. Mọi vật đều có mức độ nhất định về chiều cao, chiều rộng và chiều sâu. Người này có thể nhìn hoặc cách cư xử như người khác, thậm chí có thể nghe như người khác. Nhưng người này không thể là người kia. Họ hoàn toàn là những cá nhân khác nhau.
Tuy nhiên, Thiên Chúa hằng sống không có giới hạn trong vũ trụ ba chiều này. Ngài là Thần Khí, và Ngài vô cùng phức tạp hơn chúng ta. Đó là lý do Chúa Giêsu Ngôi Con có thể khác với Chúa Cha mà vẫn y như Chúa Cha.
Kinh Thánh nói rõ về Thiên Chúa Ngôi Cha, Thiên Chúa Ngôi Con, và Thiên Chúa Ngôi Ba. Nhưng Kinh Thánh nhấn mạnh rằng CHỈ CÓ MỘT THIÊN CHÚA.
Nếu chúng ta dùng toán học thì sẽ là 1+1+1=3, là 1x1x1=1. Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi (Triune God).
Như vậy, chữ “Tri” nghĩa là “ba”, và chữ “Unity” nghĩa là “một”, Tri + Unity = Trinity. Đó là cách hiểu những gì Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa, rằng Thiên Chúa là ba “Ngôi Vị”, đồng bản thể về thần tính.
Một số người muốn đưa ra các minh họa về Chúa Ba Ngôi, chẳng hạn H₂O là nước, nước đá và hơi nước – khác dạng nhưng vẫn là H₂O. Cách minh họa khác là ánh mặt trời. Từ mặt trời, chúng ta có thể nhận được ánh sáng, hơi nóng và bức xạ. Ba phương diện khác nhau nhưng vẫn là ánh nắng. Thật ra chẳng có minh họa nào hoàn hảo.
Nhưng ngay từ đầu, chúng ta đã nhận ra Thiên Chúa là Đấng Tam Vị Nhất Thể. Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa tuyên phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1:26-27).
Khi Mô-sê hỏi tên của Thiên Chúa, Ngài đã nói: “Ta hằng hữu” (I am). Và chính Chúa Giêsu đã sử dụng cách nói này nhiều lần: “Ta là ánh sáng thế gian…”, “Ta là bánh hằng sống…”, “Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Ta”.
Ápraham là người được đề cập trong sách Sáng Thế, hằng ngàn năm trước khi Chúa Giêsu đến thế gian. Nhưng Chúa Giêsu cho biết về chính Ngài: “Trước khi có ông Ápraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (Ga 8:58). Người Do Thái đã không hiểu hết ý Chúa Giêsu nên họ lấy đá ném Ngài vì cho rằng Ngài “lộng ngôn” – tự xưng là Thiên Chúa (Ga 8:59). Nhưng Chúa Giêsu luôn luôn hiện hữu.
Chúa Giêsu luôn nói về mối quan hệ hiệp nhất với Chúa Cha. Đó là lý do người Do Thái tìm cách giết Ngài, vì Ngài không giữ luật ngày Sa-bát, dám gọi Thiên Chúa là Cha, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (Ga 5:16-18).
Từ đời đời, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần luôn ở trong một mối quan hệ và giao tiếp với nhau, đó KHÔNG LÀ BA Thiên Chúa mà CHỈ LÀ MỘT Thiên Chúa.
Phải trả lời câu hỏi này: “Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, vậy Ngài cầu nguyện với ai?”.
Trên thế gian, Chúa Giêsu vẫn đàm đạo với Chúa Cha, cả Chúa Cha và Chúa Thánh Thần vẫn giao tiếp với Ngài. Mặc dù không là danh sách đầy đủ, nhưng đây là một số câu Kinh Thánh cho biết Thiên Chúa là MỘT, duy nhất trong Tam Vị Nhất Thể:
◾ “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6:4).
◾ “Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta” (Is 45:5).
◾ “Chẳng có thần nào ngoài Thiên Chúa độc nhất” (1 Cr 8:4).
◾ Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3:16-17).
◾ “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19).
◾ Chúa Giêsu xác định: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10:30).
◾ Chúa Giêsu nói với Phi-líp-phê: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9).
◾ Chúa Giêsu cho biết: “Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi” (Ga 12:45).
◾ “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8:9).
◾ “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1:20).
◾ Sứ thần nói: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35).
◾ “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. … Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14:16-17, 23).
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ EveryStudent.com)
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”