Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội thứ 52 (2018)

148 lượt xem 16 Tháng Năm, 2018

Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội thứ 52 (2018)

“Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32). Tin giả và một nền báo chí vì hòa bình

Anh chị em thân mến,

Truyền thông là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta và là phương thức chủ yếu cho ta trải nghiệm được tình bằng hữu. Được tạo ra giống hình ảnh Đấng Tạo Hóa, chúng ta có thể bày tỏ và chia sẻ tất cả những gì là chân, thiện, mỹ. Chúng ta có thể mô tả kinh nghiệm của chính mình và thế giới chung quanh, và như thế, ta tạo ra ký ức lịch sử và sự hiểu biết về các sự kiện. Nhưng, khi chiều theo thói kiêu ngạo và ích kỷ của mình, chúng ta cũng có thể bóp méo cách thức sử dụng khả năng giao tiếp của chúng ta. Điều này có thể thấy được ngay từ thuở sơ khai, trong các câu chuyện Kinh Thánh về Cain và Abel và chuyện tháp Babel (x. St 4:4-16, 11:1-9). Khả năng bóp méo sự thật là triệu chứng cho thấy tình trạng (đáng ngại) của chúng ta, trong cả hai chiều kích cá nhân và cộng đồng. Trái lại, khi chúng ta trung tín với kế hoạch của Thiên Chúa, truyền thông sẽ diễn tả sự tìm kiếm chân lý đầy trách nhiệm và ý chí theo đuổi điều thiện của chúng ta.

Trong một thế giới truyền thông và kỹ thuật số thay đổi nhanh chóng hôm nay, chúng ta đang chứng kiến sự lan tràn của cái được gọi là “tin giả”. Điều này buộc ta phải suy nghĩ, và đó là lý do tại sao trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông năm nay, tôi quyết định trở lại với vấn đề sự thật, là điều đã được các vị tiền nhiệm của tôi lặp đi lặp lại, bắt đầu từ Đức Phaolô VI, trong Sứ điệp năm 1972 với chủ đề: “Truyền thông xã hội phục vụ Chân lý”. Bằng cách này, tôi muốn góp phần vào sự dấn thân chung nhằm ngăn chặn sự lan rộng của tin giả và tái khám phá phẩm giá của báo chí và trách nhiệm cá nhân của các nhà báo trong việc truyền thông sự thật.

1. Tính “thất thiệt” của tin giả là gì?

Thuật ngữ “tin giả” đã là đối tượng của các cuộc thảo luận và tranh biện sôi nổi. Nói chung, nó liên quan đến sự lan tràn thông tin sai lạc trên mạng hoặc trên các phương tiện truyền thông truyền thống. Nó liên quan đến những thông tin sai lệch dựa trên những dữ liệu không tồn tại hoặc bị bóp méo để lừa dối và thao túng độc giả. Người ta truyền bá tin giả để đạt các mục tiêu cụ thể, ảnh hưởng trên các quyết định chính trị và phục vụ lợi ích kinh tế.

Hiệu quả của tin giả phụ thuộc trước hết vào khả năng bắt chước các tin thật, đến mức xem ra rất đáng tin cậy. Thứ đến, thông tin giả nhưng có vẻ đáng tin này mang tính xoi mói, gây chú ý bằng cách khơi gợi ấn tượng và những định kiến xã hội, và khai thác những cảm xúc bộc phát như lo lắng, khinh miệt, tức giận và thất vọng. Khả năng lan truyền những tin giả như thế thường dựa vào việc lèo lái các mạng xã hội và các phương thức hoạt động của chúng. Những câu chuyện thất thiệt có thể lan truyền nhanh đến nỗi ngay cả những lời phủ nhận có thẩm quyền đi nữa cũng không thể hạn chế được những thiệt hại.

Khó khăn trong việc vạch trần và loại bỏ tin giả cũng do thực tế là nhiều người thường chỉ tương tác trong các môi trường kỹ thuật số với những người hợp ý với mình, nơi đó thường không có chỗ cho các quan điểm và ý kiến khác nhau. Thông tin sai lạc, do vậy, phát triển mạnh khi không có sự đối kháng lành mạnh với các nguồn thông tin khác có khả năng thách thức một cách hiệu quả các định kiến và tạo ra các cuộc đối thoại xây dựng; thay vào đó, nó có nguy cơ làm cho người ta trở thành những kẻ vô tình đồng lõa trong việc truyền bá những ý tưởng sai lạc và vô căn cứ. Bi kịch của thông tin sai lạc là nó làm mất uy tín của người khác, trình bày những người ấy như kẻ thù, tới mức mô tả họ như ma quỷ và xúi giục xung đột. Tin giả là dấu hiệu của thái độ thiếu khoan dung và quá nhạy cảm, chỉ làm lan tràn sự kiêu căng và thù hận. Đó là kết quả cuối cùng của sự thất thiệt.

2. Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra tin giả mạo?

Không ai trong chúng ta có thể cảm thấy mình được được miễn trừ khỏi bổn phận chống lại những sự giả trá này. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì những thông tin sai lạc thường dựa trên những lối diễn đạt cố ý lẩn tránh vấn đề và khôn khéo đánh lạc hướng, và đôi khi còn sử dụng cả các cơ chế tâm lý tinh vi. Thật đáng khen những nỗ lực đang xây dựng các chương trình giáo dục nhằm giúp người ta lý giải và đánh giá thông tin của truyền thông và dạy họ tham gia tích cực vào việc vạch trần sự giả dối, thay vì vô tình góp phần làm lan rộng những thông tin sai lệch. Cũng thật đáng khen những sáng kiến lập luật và cơ cấu nhằm phát triển các quy định giúp ngăn chặn hiện tượng này, cùng với các công trình đang được các công ty công nghệ và truyền thông thực hiện nhằm đưa ra các tiêu chí mới hầu xác minh được nhân dạng ẩn giấu đằng sau hàng triệu hồ sơ kỹ thuật số.

Tuy nhiên, việc ngăn chận và xác định cách thức hoạt động của thông tin giả cũng đòi hỏi một quá trình phân định sâu sắc và thận trọng. Chúng ta cần phải vạch trần cái gọi là “những chiến thuật của con rắn” được những kẻ trá hình sử dụng để tấn công bất cứ lúc nào và nơi nào. “Con rắn quỷ quyệt” trong sách Sáng Thế ký đã sử dụng chiến lược này ngay từ thời bình minh của nhân loại; đó là đứa đã tạo ra tin giả đầu tiên (x. St 3:1-15), khởi đầu một lịch sử bi thảm của tội lỗi con người, bắt đầu với cảnh huynh đệ tương tàn đầu tiên (x. St 4) dẫn đến muôn vàn tội ác khác chống lại Thiên Chúa, tha nhân, xã hội và thiên nhiên. Chiến lược của “Cha đẻ sự gian dối” ranh mãnh này (Ga 8:44) là bắt chước chính xác, với cách quyến rũ quỷ quyệt và nguy hiểm, thâm nhập vào tâm hồn với những luận điệu giả tạo và lôi cuốn.
Trong câu chuyện tội nguyên tổ,  tên cám dỗ tiếp cận người đàn bà bằng cách giả vờ là bạn của bà, chỉ quan tâm đến lợi ích của bà, và bắt đầu bằng cách nói những lời chỉ đúng có một phần: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn’ không?” (St 3:1). Thật ra, Thiên Chúa không bao giờ bảo Ađam không được ăn quả từ bất kỳ cây nào, nhưng chỉ là trái từ một cây: “Trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn” (St 2:17). Người đàn bà sửa sai con rắn, nhưng lại để cho mình bị sa vào bẫy khiêu khích của hắn: “Trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết” (St 3:3). Câu trả lời của bà bao hàm những ý tưởng vụ luật và tiêu cực; sau khi lắng nghe kẻ cám dỗ và để bản thân bị hút theo luận điệu của hắn, người đàn bà đã bị lừa. Bà đã chú ý đến lời trấn an của nó: Chẳng chết chóc gì đâu!” (St 3:4).

“Sự hủy diệt” của tên cám dỗ đã khoác lên chút biểu hiện của sự thật: “Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3:5). Mệnh lệnh của Thiên Chúa là cha – muốn đem lại điều tốt lành cho họ – đã bị nghi ngờ trước sự cám dỗ hấp dẫn của kẻ thù: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt và đáng thèm muốn” (St 3:6). Chương Kinh Thánh này đưa ra ánh sáng một yếu tố quan trọng để suy tư:  chẳng hề có thông tin sai lạc nào mà vô hại; trái lại, tin vào sự giả dối có thể có những hậu quả thảm khốc. Thậm chí chỉ một chút xíu bóp méo sự thật thôi cũng có những hậu quả nguy hại.

Điều nguy hiểm là lòng tham của chúng ta. Tin giả thường lan truyền nhanh chóng đến nỗi khó có thể dừng lại, không phải vì cảm thức muốn được chia sẻ – là điều truyền cảm hứng cho các mạng xã hội xuất hiện – mà bởi vì nó khơi gợi lòng tham không đáy rất dễ bùng lên trong lòng người. Những mục tiêu kinh tế và thao túng gây ra tin giả bắt nguồn từ lòng khao khát quyền lực, ham muốn sở hữu và hưởng thụ, mà chung cuộc biến chúng ta trở thành nạn nhân của một điều bi thảm hơn nữa: đó là sức mạnh lừa đảo của cái ác, đi từ dối trá này qua dối trá khác, sẽ cướp mất tự do nội tâm của chúng ta. Đó là lý do vì sao khi giáo dục chân lý thì cần dạy cho người ta biết phân định, đánh giá và thấu hiểu những ham muốn và khuynh hướng sâu xa nhất của chúng ta, để chúng ta đừng đánh mất cái nhìn hướng thiện khiến ta phải đầu hàng các cơn cám dỗ.

3. “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32)

Sự ô nhiễm liên tục bởi ngôn ngữ lừa dối có thể làm đen tối cuộc sống nội tâm của chúng ta. Lời nhận xét của Dostoevsky thật là chí lý: “Những người cứ tự lừa dối mình và nghe theo sự dối trá của chính họ, đến một lúc nào đó, sẽ không còn phân biệt nổi đâu là sự thật trong họ, hoặc xung quanh họ, và vì thế đánh mất mọi sự tôn trọng dành cho bản thân và người khác. Không có lòng tôn trọng, họ cũng không còn biết yêu thương, rồi để lấp đầy chính mình và khuây khỏa, họ lao vào những đam mê cùng những lạc thú tầm thường và chìm sâu trong thú tính của thói hư tật xấu, tất cả đều do liên tục dối trá với người và với mình mà ra” (Anh em nhà Karamazov, II, 2).

Vậy làm thế nào để chúng ta tự bảo vệ mình? Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất để khử vi khuẩn giả dối là sự thanh lọc trong chân lý. Trong Kitô giáo, chân lý không chỉ là một thực tại nhận thức (conceptual reality) liên quan đến cách thức chúng ta đánh giá sự vật, xác định xem chúng là đúng hay sai. Sự thật không chỉ là mang ra ánh sáng những thứ được che giấu, “phơi bày thực tại”, như thuật ngữ Hy Lạp xưa là aletheia (từ chữ “a-lethès”, “không ẩn giấu”) mà còn có thể làm chúng ta tin. Sự thật liên quan đến toàn bộ cuộc đời của chúng ta. Trong Kinh Thánh, nó có nghĩa là sự hỗ trợ, sự vững chắc và tin cậy, như được bao hàm trong từ gốc ‘aman’, là nguồn gốc của thành ngữ phụng vụ Amen. Sự thật là cái bạn có thể dựa vào, để không bị ngã. Theo ý nghĩa tương quan này, chỉ một Đấng duy nhất thật sự đáng tin cậy – Đấng chúng ta đặt niềm tin vào – là Thiên Chúa hằng sống. Vì thế, Chúa Giêsu mới nói: “Ta là sự thật” (Ga 14:6). Chúng ta khám phá và tái khám phá sự thật khi chúng ta trải nghiệm điều này trong lòng mình với niềm trung thành và tin tưởng vào Đấng yêu thương chúng ta. Chỉ điều này thôi mới có thể giải thoát chúng ta: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32).

Tự do khỏi sự giả trá và tìm xây dựng mối tương quan: đây là hai thành phần không thể thiếu, nếu muốn những lời nói và cử chỉ của chúng ta được chân thực, có thế giá và đáng tin cậy. Để phân biệt sự thật, chúng ta cần phải phân định được những gì động viên sự hiệp thông và cổ vũ điều thiện nơi mọi sự,  không hướng đến việc cách ly, chia rẽ, và chống đối. Vì vậy, sẽ không thể có được sự thật khi nó bị áp đặt từ bên ngoài như là một điều gì đó không liên quan đến con người, nhưng chỉ khi nó tuôn chảy từ những mối quan hệ tự do giữa con người với nhau, từ việc lắng nghe nhau. Chúng ta cũng không bao giờ được phép ngừng tìm kiếm sự thật, bởi vì sự giả dối luôn luôn có thể len vào, ngay cả khi chúng ta nói ra những điều đúng. Một lý luận cho dù không ai bắt bẻ vào đâu được, và dựa trên những sự kiện không thể phủ nhận, nhưng nếu nó được dùng để làm tổn thương người khác và làm mất uy tín của người đó trước mắt người khác, thì bất kể nó có vẻ đúng đến đâu đi nữa, nó cũng không phải là sự thật. Chúng ta có thể nhận ra tính chân thực của những lời phát biểu qua hoa trái của chúng: chúng gây tranh cãi, chia rẽ, làm nhụt chí; hay chúng thúc đẩy những những suy tư đầy hiểu biết và kỹ càng, dẫn đến sự đối thoại xây dựng và những thành quả phong phú.

4. Hòa bình là thông tin chân thực

Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất để khử trừ sự giả dối không phải là những chiến lược, nhưng là con người: những người không tham lam nhưng sẵn sáng lắng nghe, những người nỗ lực tham gia vào cuộc đối thoại chân thành để sự thật có thể nổi lên; những người được cuốn hút bởi sự thiện và chịu trách nhiệm về cách họ sử dụng ngôn ngữ. Nếu con người phải chịu trách nhiệm trước sự lan tràn những bản tin giả, thì trách nhiệm đó đặt nặng trên vai những người làm công việc cung cấp thông tin, cụ thể đó là các nhà báo, những người bảo vệ tin tức. Hiểu theo một ý nghĩa tròn đầy thì trong thế giới hôm nay, công việc của họ không chỉ là một nghề mà là một sứ mạng. Giữa những cạnh tranh ác liệt và chạy đua ráo riết, họ phải nhớ rằng trái tim của thông tin không phải là tốc độ đưa tin hay sức ảnh hưởng đối với độc giả, nhưng là con người. Thông tin cho người khác có nghĩa là đào tạo người khác; nó có nghĩa là động chạm đến đời sống của con người. Đó là lý do tại sao việc bảo đảm tính chính xác của các nguồn tin và bảo vệ việc truyền thông là những phương tiện thực sự để quảng bá sự thiện, tạo ra lòng tin và mở đường cho sự hiệp thông và hoà bình.

Như thế, tôi muốn mời gọi tất cả mọi người cổ vũ một nền báo chí vì hòa bình. Khi nói như thế, tôi không có ý muốn nói đến loại hình báo chí đầy mật ngọt và từ chối thừa nhận sự tồn tại của những vấn đề nghiêm trọng; hay loại hình báo chí chỉ đầy cảm tính. Ngược lại, tôi muốn nói đến một nền báo chí trung thực chống lại những giả dối, những thứ khẩu hiệu khoa trương, và các tiêu đề giật gân. Một nền báo chí do con người tạo ra và vì con người; một nền báo chí phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là những người không có tiếng nói- và họ là đa số trong thế giới của chúng ta. Một nền báo chí bớt tập trung vào các tin tức giật gân và tập chú nhiều hơn vào việc tìm ra các nguyên nhân ẩn sau những xung đột, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn và góp phần giải quyết bằng cách thiết lập các quy trình đạo đức. Một nền báo chí dấn thân vào việc chỉ ra những lựa chọn khác hơn là sự leo thang các trận chiến la hét và bạo lực bằng lời nói.

Để đạt được mục đích này, lấy cảm hứng từ một lời cầu của Thánh Phanxicô, chúng ta có thể hướng lòng về Đấng là Chân Lý:

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên những khí cụ bình an của Chúa.
Giúp chúng con nhận ra sự ác tiềm ẩn trong thứ truyền thông không kiến tạo hiệp thông.
Giúp chúng con biết loại bỏ nọc độc khỏi những phán đoán của chúng con.
Giúp chúng con nói về tha nhân như anh chị em của chúng con.
Chúa là Đấng trung tín và đáng tin cậy, xin làm cho lời nói của chúng con thành những hạt giống sự thiện cho thế giới.
Nơi đâu có kêu la, xin cho chúng con biết lắng nghe;
nơi đâu có bấn loạn, xin cho chúng con tạo được niềm hứng khởi hòa hợp;
nơi đâu có những mơ hồ, xin cho chúng con biết mang đến sự minh bạch;
nơi đâu có loại trừ, xin cho chúng con mang đến tình liên đới;
nơi đâu có kích động, xin giúp chúng mang lại sự điềm tĩnh;
nơi đâu hời hợt, xin cho chúng con nêu lên được những thắc mắc đích thực;
nơi đâu có thành kiến, xin cho chúng con đánh thức được niềm tin;
nơi đâu có hận thù, xin cho chúng con biết mang đến niềm tôn trọng;
nơi đâu có giả dối, xin cho chúng con mang đến sự thật. Amen.

Vatican, ngày 24 tháng 1 năm 2018,
+ Phanxicô

Chuyển ngữ: Ban Biên tập WGPSG