Học và sứ mạng
Nhiều người khi gặp chúng tôi rảo bước trên đường về cộng đoàn, tay xách, tay mang. Tươi cười với lời chào thăm đầu tiên: “Các xơ đi đâu về vậy”?. Chị em chúng tôi niềm nở trả lời: “Dạ, chúng con đi học về ạ.” Vẻ mặt của họ trông có vẻ ngỡ ngàng. Đi tu mà cũng phải học nữa à? Có lẽ nhiều người nghĩ rằng đi tu là chỉ đọc kinh, ăn chay hãm mình là đủ rồi. Tuy nhiên Kitô giáo cần những người đi tu không chỉ có phẩm chất đạo đức mà còn có một tri thức nhất định, đặc biệt là tri thức về đạo lý.
Với những người bước theo Chúa Kitô trong ơn gọi dâng hiến, cách riêng đối với tu sĩ Đa Minh, việc học mang một ý nghĩa thiêng liêng và rất quan trọng, vì việc học cho thấy lý trí của con người có khả năng suy tư và nhận biết chân lý. Hơn nữa, để rao truyền chân lý cho con người thời đại hôm nay, một thời đại được gọi là đỉnh cao của khoa học thì việc học lại càng mang tính cấp thiết.
Ngay từ lúc bước vào cộng đoàn Đa Minh tôi cũng như các chị em khác được học rất nhiều môn do các Dì giáo trong cộng đoàn cũng như quý Cha giáo giảng dạy như: Kinh Thánh, giáo lý, phụng vụ, nhân bản, tâm lý, tiếng Anh, đàn, ca trưởng, xướng âm,vi tính, hội họa…
Trong tất các môn chúng tôi được học, có một môn tôi rất thích và nghĩ rằng nó cần thiết nhất, đó chính là Kinh Thánh. Thánh Giêrônimô đã từng nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc học và đào sâu Kinh Thánh. Học Kinh Thánh là học về Thiên Chúa, học để biết và hiểu về Ngài, biết Ngài đã làm gì cho con người, biết Ngài đã yêu thương chúng ta như thế nào. Khi yêu nhau, người ta muốn dành thời gian ở bên nhau để tìm hiểu và biết nhau. Khi đã hiểu nhau, biết những mặt mạnh cũng như điểm yếu của nhau và dám chấp nhận nhau thì tình yêu đó mới mãnh liệt và bền vững. Là những người đang bước theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng cần biết Đấng mà mình từ bỏ mọi sự để bước theo, Đấng mà mình dành trọn tình yêu vì Ngài như thế nào?
Qua những gì kể lại trong Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu hơn về thiên Chúa. Kinh thánh là nguồn tài liệu chính của giáo lý Giáo Hội. Càng đào sâu ta càng hiểu rõ hơn về Đấng mà ta đang bước theo. Hiểu hơn không gì khác là để yêu mến Ngài và theo sát Ngài hơn. Hơn nữa là một tu sĩ Đa Minh đảm nhận sứ mạng Chúa trao là đem tin mừng của Chúa đến cho tất cả mọi người thì việc học biết về Chúa lại là một điều vô cùng quang trọng. Nếu như không học không trau dồi kiến thức về Chúa thì ta chẳng biết phải nói gì về Người và nói sao cho đúng về con đường cứu độ mà Người đã mặc khải cho các tông đồ xưa.
Thánh phụ Đa Minh đã từng xác tín mạnh mẽ: việc học Thánh Kinh không chỉ cần thiết cho sứ vụ rao giảng, nhưng còn góp phần thực sự vào việc nên thánh của anh chị em. Ngài đặt việc học vào số những sinh hoạt chính yếu của đời tu, ngang bằng với việc cầu nguyện và khổ chế. Điều đó cho chúng ta thấy việc học hành đối với tu sĩ Đa Minh quan trọng như thế nào.
Học hành được coi là hành vi tâm linh, hành vi sám hối hữu ích, có khả năng đưa các tu sĩ Đa Minh tới việc hiểu biết Thiên Chúa sâu xa hơn; hiểu biết về con người, về thế giới mỗi ngày mỗi trung thực phong phú hơn để phục vụ cho sứ vụ, để trở nên hữu ích cho linh hồn tha nhân.
Trong ơn gọi Đa Minh giữa thánh hiến và sứ vụ học hành có một mối tương quan rất mật thiết. Chúng ta được thánh hiến để trở thành những người rao truyền Tin Mừng thì cần phải học hành nghiên cứu.” Tu sĩ Đa Minh được thánh hiến trong chân lý, cho chân lý và vì chân lý, nên học hành là để phục vụ cho chân lý của Thiên Chúa và chân lý của con người”. Công vụ tổng hội Providence, năm 2001, chương III, đời sống tri thức số 108 đã cho chúng ta thấy: Việc học hành được nối kết với lòng thương cảm, thúc đẩy chúng ta loan báo tin mừng tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế giới và loan báo phẩm giá con người xuất phát từ một tình yêu. Như thế việc học hành giúp chúng ta am hiểu những cuộc khủng hoảng, những nhu cầu, niềm khao khát và khổ đau của nhân loại cũng như của chính mình.
Chỉ một vài lý dó trên chúng ta thấy rõ thế nào là ý nghĩa của việc học hành mà Thánh Phụ mong muốn. Chúng ta nhận thức được lý do tại sao tu sĩ Đa Minh phải học, học cái gì, học với tâm thức nào với não trạng nào, nhắm tới cái gì và phục vụ cho ai?.
Chúng ta là những người con đang bước theo Chúa Ki tô trong linh đạo Đa Minh, chắc chắn mỗi người chúng ta phải luôn ghi nhớ trong lòng những thao thức của Thầy Giêsu trong sứ vụ mang ơn cứu độ đến cho thế giới này. Để làm tốt sứ mạng của mình, bên cạnh việc tu thân, chúng ta cũng phải dành hết tâm sức để học tập với một mục đích duy nhất là hy vọng một ngày nào đó chúng ta có thể trở thành khí cụ hữu hiệu trong bàn tay của Chúa.
Lucia
Tin cùng chuyên mục:
Biết ơn trường đời
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết