Những yếu tố nền tảng của việc dạy giáo lý

707 lượt xem 27 Tháng Ba, 2018

  NHỮNG YẾU TỐ NỀN TẢNG CỦA VIỆC DẠY GIÁO LÝ

“Niềm vui Tin mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống
của những ai gặp Chúa Giê su” 

( NVTM số 1 ĐGH Phanxico).

Quả vậy, mục đích chính trong việc dạy giáo lý của một giáo lý viên  là đem niềm vui Tin mừng của Chúa Ki tô  đổ đầy vào trong tâm hồn và chính cuộc sống của những người chưa nhận biết và những người đang khao khát được học biết về Người.

Chúng ta biết rằng Chúa Giê su hôm nay vẫn đang hiện diện trong Hội Thánh bằng Thánh Thần của Ngài và qua sứ vụ của Hội thánh, Ngài vẫn tiếp tục công cuộc loan báo Tin mừng trên khắp cánh đồng thế giới. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta cộng tác trong công tác loan báo Tin Mừng qua lời giảng dạy, qua cách sống của chúng ta mỗi ngày. Là một giáo lý viên với thao thức và trăn trở đem lời Chúa, thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Ki tô cho những người chưa nhận biết Người, đòi hỏi mỗi một chúng ta phải cố gắng để trang bị cho mình những kiến thức, phương pháp dạy để giúp các em hiểu Lời Chúa, giữ đức tin, áp dụng vào chính cuộc sống thường ngày của mình.

Trong xã hội ngày nay con người bị mê hoặc bởi lối sống hưởng thụ và ích kỷ, vứt bỏ mọi nỗ lực tìm kiếm và sống những giá trị Tôn Giáo. Hậu quả là đạo đức suy thoái, lương tâm bị coi rẻ, con người không còn nghe tiếng nói của lương tâm, nhân phẩm con người bị xúc phạm. Đời sống đức tin của cha mẹ và đặc biệt là các bạn trẻ bị hổng nặng. Các em theo đạo mà không biết mình đang theo ai và phải sống như thế nào.

Dạy giáo lý, dạy về Thiên Chúa vô hình đã khó nói, dạy để cho trẻ cảm nghiệm được Đấng vô hình đó đang hiện diện cách sống động trong cuộc đời của các em còn khó hơn. Điều đó đòi hỏi người giáo lý viên phải có phương pháp dạy và đặc biệt phải là người đã sống thân tình và có cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa mới mong  giúp các em khám phá ra sự hiện diện của Chúa Ki tô trong từng biến cố hằng ngày của cuộc sống từ những chuyện vui buồn từ những thử thách, đau khổ hằng ngày của họ. Từng sự việc dù nhỏ nhất xảy ra trong cuộc đời đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

Liệu cách dạy giáo lý của chúng ta đã đúng mục đích , bản chất và nội dung giáo lý của Hội Thánh không? Liệu phương pháp dạy của chúng ta có hợp với tâm lý của các em ngày nay? Xin trình bày những yếu tố nền tảng của việc dạy giáo lý:

  1. Bản chất của việc dạy giáo lý.

Dạy giáo lý là hình thức phục vụ Lời Chúa của Giáo Hội nhằm làm cho từng người từng cộng đoàn trưởng thành trong đức tin.

  1. Mục đích của việc dạy giáo lý.

Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những được tiếp xúc, mà còn được thông hiệp với Chúa Ki tô.

  1. Nhiệm vụ của việc dạy giáo lý

Việc dạy giáo lý phải chu toàn được những nhiệm vụ cơ bản như giúp nhận biết đức tin, giáo dục phụng vụ huấn luyện luân lý và dạy cầu nguyện.

Ngoài ra, còn phải nhắm đến việc khai tâm, giáo dục đời sống cộng đoàn và truyền giáo.

  1. Nội dung dạy giáo lý

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo là nơi Hội Thánh trình bày, giải thích và hướng dẫn những nội dung cốt yếu và căn bản của đạo lý công giáo về mặt đức tin cũng như luân lý, dưới ánh sáng Công Đồng Va-ti-ca-nô II và toàn  bộ Thánh Truyền. Sách được dùng “như bản quy chiếu cho các sách giáo lý cũng như toát yếu được soan ra trong các nước” ( GLCG- Lời mở đầu, 11)

  1. Nguồn mạch của việc dạy giáo lý

Sứ điệp giáo lý và việc dạy giáo lý luôn được xây dựng bởi nguồn mạch Lời Chúa được chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền.

Ngoài ra việc dạy giáo lý còn dựa vào những nguồn mạch bao gồm: “ tài liệu đức tin” như những bản văn phụng vụ, những tác phẩm của các giáo phụ, những hướng dẫn của Huấn Quyền, những biểu thức đức tin, những chứng tá của các Thánh và những suy tư Thần học.

  1. Nguyên tác việc dạy giáo lý.

Phải đáp ứng được các tiêu chuẩn trình bày sứ điệp giáo lý, như tính nguyên tuyền, toàn diện và hệ thống. Trong đó có tính quy Ki tô phải được lưu tâm hàng đầu. ( HDTQ 97-100)

  1. Phương pháp dạy giáo lý.

Giáo lý viên dạy giáo lý theo những cách thức Thiên Chúa và Hội Thánh đã dùng để dạy dỗ và cứu chuộc con người. Những cách thức này gọi là “sư phạm đức tin”. Nét độc đáo của sư phạm đức tin là việc giáo lý viên đồng hành với nguời học gặp gỡ và đối thoại cởi mở, thân tình, tôn trọng lẫn nhau.  

Trên đây là những nét chấm phá về phương pháp sư phạm giáo lý. Nhưng như đã đề cập ở phần đầu của bài viết, kết quả đích thực của dạy giáo lý không chỉ nằm ở phương pháp nhưng phải là đời sống nội tâm sâu sắc với Thiên Chúa của giáo lý viên để có thể truyền tải một Thiên Chúa sống động, Đấng mà chính giáo lý viên dường như đã đụng chạm đến Ngài. Cầu chúc cho tất cả các giáo lý viên trở thành những chiếc cầu nối kết Thiên Chúa với các em học sinh của mình. Nhờ đó, các em sẽ gặp được Thiên Chúa đích thực và cuộc sống các em được biến đổi.

Lạy Chúa, xin chúc lành cho việc dạy giáo lý của chúng con.

                                                                                                 Châu Vũ (TTV)