Một chuyến đi……

323 lượt xem 26 Tháng ba, 2018

                                            MỘT CHUYẾN ĐI

Mở đầu bài hát “Để  Gió Cuốn Đi”, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng viết “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Đúng vậy, trong một xã hội bao la, muôn hình vạn trạng, có người này kẻ kia, có người giàu thì ắt hẳn có người nghèo.  Những người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn cần tới sự giúp đỡ của cả cộng đồng. Do vậy mà  Thiên Chúa  đã ban cho ta khi sinh ra đã có một trái tim,  là cái để mỗi người sẻ chia và đồng cảm, những thôi thúc nội tâm dẫn đến những hành động gửi trao yêu thương. Với những tâm tình đó, vào ngày 24/03 vừa qua, dự án “Tín dụng cho người nghèo” tiếp tục đến với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại giáo xứ Hậu Thành.

Giáo xứ Hậu Thành thuộc địa bàn hai xã Tây Thành và Thịnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Hiện nay, giáo xứ gồm khoảng 2134 nhân danh phân bổ trong 4 giáo họ gồm: Hậu Thành, Hậu Trạch, Trung Thành và Nguyệt Lãng. Là một giáo xứ nằm trên vùng bán sơn địa rộng lớn, giao thông khó khăn, dân cư thưa thớt, đời sống kinh tế của bà con nơi đây đa phần dựa vào nghề nông và lâm nghiệp. Nguồn nước sinh hoạt và sản xuất rất hạn chế, đặc biệt về mùa hè. Nên sản lượng nông nghiệp hay bị thất thu hoặc chỉ đủ dùng. Nhận được những thực trạng đó, Đức Cha và đoàn đã triển khai dự án cho 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với nguyện vọng được hỗ trợ để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Tổng số vốn mà dự án“Qũy tín dụng cho người nghèo” hỗ trợ bà con giáo xứ Hậu Thành lần này là hơn 200 triệu đồng. Hy vọng rằng, với sự khởi đầu này, như là nguồn động viên, thúc đẩy bà con trong giáo xứ ngày càng cố gắng vươn lên phát triển cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Sau khi hoàn thành xong các thủ tục cho vay vốn tại giáo xứ Hậu Thành, đoàn chúng tôi đã cùng nhau đến một số hộ trong các giáo xứ: Quy Hậu, Làng Rào, Đạo Đồng và Đồng Kén để  thăm hỏi, lắng nghe chia sẻ của những người dân. Bước chân đến với các hộ gia đình, chúng tôi được tận mắt chứng kiến hình ảnh những ngôi nhà xuống cấp với những bức tường loang lổ đã bị tróc vữa; những mái nhà bị võng xuống hay lỗ chỗ những lỗ hổng mà chủ nhân nói rằng ngày nắng thì không sao nhưng mưa thì không biết trú chỗ nào. Dưới những mái nhà cũ kỹ đó có những người cha, người mẹ, người con, đang phải gánh chịu những căn bệnh kinh niên mà không thuốc nào chữa trị nổi.

Tại giáo xứ Làng Rào, chúng tôi ghé thăm gia đình anh chị Nguyễn Thị Thúy và được một người dân chia sẻ: “Gia đình này gặp nạn suốt xơ à, Vợ bị ngã từ trên cây mận xuống, nằm một chỗ cả tháng trời. Khi đi lại được một chút thì chồng lại bị tai biến. Bây giờ chồng cũng chỉ ngồi một chỗ, không còn tỉnh táo như trước nữa. Đứa con trai đầu thương cha mẹ, ở nhà phụng dưỡng 2 ông bà. Nhưng rồi cũng đến lúc phải xa gia đình, đi làm thuê để nuôi sống bản thân và gia đình. Trước khi  đi, nó chuẩn bị 2 xe củi lớn, rồi nấu cơm, giặt giũ quần áo cho mẹ  bớt mệt rồi mới đi. Giờ ở nhà công việc để lại hết cho người vợ, người mẹ đau yếu. Chúng tôi là những người hàng  xóm cũng chỉ giúp được chút ít thôi. Nhìn thật đáng thương” .

Gia đình anh chị Nguyễn Châu Bốn tại giáo xứ Đạo Đồng cũng chia sẻ:“Chồng của con bị tai nạn cũng 2 tháng rồi. Vết thương do không có đủ tiền chữa trị nên bị nhiễm trùng và bị thối. Đến bệnh viện, không có “tiền túi” cho các bác sĩ nên họ cũng không làm cho. Các bữa ăn, con mua cho chồng một cái bánh mì ăn qua bữa. Còn con, vì gia đình cũng không có tiền, nên con đi xin cơm cháy để ăn. Vào phòng, mọi người thắc mắc tại sao con cứ ăn cơm cháy mãi mà không mua cơm nóng mà ăn, cũng vì ngại nên con chỉ dám nói là con thích ăn cơm cháy”. nghe vậy, trong lòng chúng tôi ai cũng xót xa. Chúng tôi giới thiệu cho chị bữa cơm từ thiện Hồng Tâm, hy vọng chị sẽ có được những bữa ăn ngon khi đi bệnh viện chăm sóc chồng.

Nhìn giọt nước mắt tủi thân, bất lực của người chồng, người cha, giọt nước mắt thương chồng thương con của người vợ,người mẹ, giọt nước mắt cảm thông của những người “hàng xóm”. Mỗi người chúng tôi cũng  không thể cầm lòng được trước những hoàn cảnh đáng thương ấy.

Đức Cha Phaolo, vị chủ chăn của giáo phận, qua những lần thăm viếng mục vụ và với sự nhạy cảm của trái tim người mục tử nhân hậu, đã nhìn thấy và cảm nhận sâu xa nỗi đau khổ, lo lắng của những người con của ngài. Ngài không dừng lại trong việc chăn dắt linh hồn nhưng ngài luôn thao thức tìm cách nâng cao đời sống vật chất của họ. Ngài khuyến khích chúng tôi ra đi đến với những người nghèo loan báo Tin Mừng tình thương cứu độ của Chúa cho họ và Tin Mừng đó được cụ thể hóa qua dự án “Tín dụng cho người nghèo. Tính đến nay dự án đã đến với 12 giáo xứ trong giáo phận Vinh. Hy vọng sẽ có nhiều bàn tay và tấm lòng quảng đại hỗ trợ cho chương trình này để sự giúp đỡ tiếp tục được lan rộng tới nhiều giáo xứ và cho nhiều người hơn.

 Khi đến với những người nghèo, chúng tôi đã học được nhiều bài học quý giá: bài học của chấp nhận, kiên nhẫn và tín thác. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chúng tôi biết hy sinh chút ít những nhu cầu không cần thiết để chia sẻ cho những người khó nghèo hơn chúng tôi. Hy sinh mà vẫn vui vì biết rằng, chúng tôi không phải chỉ giúp những con người nghèo hèn, mà là đang giúp đỡ chính Chúa “ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40). Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã khẳng định: “khi tôi ôm một người nghèo khổ, chính lúc đó Đức Giêsu đang ôm lấy tôi, nơi người nghèo, chúng ta nhìn khuôn mặt của Chúa Kitô, Đấng đã chịu nghèo hèn vì chúng ta”. Theo gương Thầy Giê-su Chí Thánh, chúng tôi được mời gọi ‘đụng chạm’ đến từng hoàn cảnh sống của mỗi người, hãy “yêu như Thầy đã yêu”. Và để đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, chúng tôi muốn cùng ngài lên  đường đi đến với người nghèo bằng lời cầu nguyện, sự chia sẻ, hiệp thông trong tình liên đới, để lòng nhân ái của mình đến được những vùng đất ‘ngoại vi’ để ‘thăm viếng’ họ và để “chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác” (Evangelii Gaudium, số 24). Và cho những vùng đất này được thắm đượm tình bác ái, huynh đệ, cho người dân có cuộc sống an vui hơn, ngõ hầu qua đó người dân sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa trong chính cuộc sống của họ.

                                                                                                    Thiên Nhân