Ba Chị Em và Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su – Thứ hai Tuần Thánh

236 lượt xem 26 Tháng Ba, 2018

Ngày 26 tháng 03 năm 2018
Thứ Hai Tuần Thánh

BA CHỊ EM VÀ MẦU NHIỆM VƯỢT QUA 
CỦA ĐỨC GIÊSU

I. LỜI CHÚA: Ga 12, 1-11

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết.

 Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo? “ Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”.

 Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.

II. SUY NIỆM:

Bước vào Tuần Thánh, với bài Tin Mừng của ngày thứ hai hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn ngắm Ba Chị Em, Mác-ta, Maria và Ladarô, trong tương quan với Đức Ki-tô đang bước vào mầu nhiệm Vượt Qua. Xin cho chúng ta cũng biết “đọc lại” đời mình dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua và định hướng đời mình qui về mầu nhiệm Vượt, như chính Đức Giê-su đã thực hiện cho Ba Chị Em.

Giống như trình thuật kể lại phép lạ Đức Giê-su làm cho anh La-da-rô được hồi sinh, vốn là bài Tin Mừng của Chúa Nhật V, Mùa Chay, năm A, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm trong bài Tin Mừng này tương quan của ba chị em Martha, Maria và Ladarô với Đức Giê-su.

Ba chị em, mỗi người mỗi “việc”; và chúng ta cũng có thể hiểu “việc” ở đây theo nghĩa biểu tượng, nghĩa là mỗi người mỗi cách thức phục vụ Đức Giê-su, mỗi người một cách thức đi theo Đức Giê-su, mỗi người một ơn gọi khác nhau; và như thế, mỗi người được mời gọi tôn trọng sự khác biệt của nhau, không giản lược người khác vào mình (nghĩa là buộc người khác phải giống như mình và làm như mình), và cũng không giản lược mình vào người khác (nghĩa là mình muốn giống như người khác và làm như người khác). Điều quan trọng nhất là lòng mến Đức Ki-tô.

1. Cô Mác-ta

Cô Mác-ta lo hầu bàn. Nếu đặt trình thuật Luca (x Lc 10, 38-42) như khởi điểm của hai trình thuật tiếp theo trong Tin Mừng Gioan (x. Ga 11 và 12), chúng ta có thể nhận ra sự “lớn lên” của cô Mác-ta trong tương quan với Đức Kitô, với những người khác và với công việc: chị đã từng quan tâm đến công việc của mình đến độ tuyệt đối hóa nó, nên trách em và trách Thầy : « Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! » (Lc 10, 40); tiếp đến, chị thương em Ladarô của chị đến độ trách “yêu” Đức Giêsu: “Nếu Thầy ở đây em con đã không chết” (Ga 11, 32); và sau cùng, ngay trước ngưỡng của cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, như bài Tin Mừng hôm nay kể lại, chị chẳng nói gì nữa, chúng ta chỉ nhìn thấy cô âm thầm lo hầu bàn. Giống như Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó, chị như đạt được ơn bình an sâu thẳm trong tâm hồn:

– Bình an, nghĩa là nhận ra « những ơn huệ Chúa ban » (x. Ga 10, 10) ; vì thế trong mọi sự, sống và hành động với tâm tình biết ơn.

– Bình an, nghĩa là tự do với mọi sự để yêu mến và phục vụ Đức Giêsu vẫn với và ngang qua công việc phục vụ nhỏ bé không tên của mình.

– Bình an, nghĩa là tôn trọng sự khác biệt nơi những ngôi vị khác và đi vào hiệp thông, nguồn dẫn đến hiệp nhất, thay vì giản lược những ngôi vị khác vào chính mình.

2. Cô Maria

Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cử chỉ diễn tả lòng mến Chúa và ước ao trao tặng tất cả cho Chúa. Chị muốn đổ tất cả những gì mình là và những gì mình có vào chân Chúa. Thánh Gioan ghi nhận một chi tiết thật hiển nhiên, nhưng đầy ý nghĩa: “Cả nhà nực Hương Thơm” (c. 3).

Một cử chỉ đầy ý nghĩa như thế, nhưng lại bị người ta nhìn một cách tiêu cực; người ta không chỉ cảm thấy khó chịu trong lòng mà còn tỏ thái độ: họ xầm xì với nhau, rồi sau đó quay ra hằn học với chị (theo Mc 14, 3-9). Người ta đây là những ai? Đó là “một số người” theo Mác-cô, là “các môn đệ” theo Mát-thêu, là “Giuđa” theo Gioan. Tóm lại, họ toàn là đàn ông!

Qua hình ảnh dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức vào chân Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi đọc ra tình yêu vô ngần vô hạn mà cô Maria dành cho Đức Giêsu. Nhưng lại có người cho là uống phí và đánh giá quà tặng này bằng tiền bạc! Họ đưa ra những lí do rất hợp lí và hợp tình: hợp lí vì dầu thơm đáng giá cả năm trời làm lụng mà đổ “trớt quớt” đi hết như thế; hợp tình vì nếu đem bán đi sẽ có tiền đi giúp người nghèo. Nhưng những thứ “hợp” này chỉ là vẻ bề ngoài, vấn đề là con tim của họ hướng về đâu: người nghèo, Đức Giêsu hay tiền bạc? Tin Mừng Gioan, qua nhân vật Giuđa, nói thẳng ra đó là vì lòng ham tiền (Ga 12, 6). Người ta cảm thấy tiếc tiền hơn là nghĩ đến người nghèo và càng không nghĩ đến số phận của Đức Giêsu, “Người Nghèo của Giavê”. Người nghèo, nhưng ai là người nghèo? Chẳng lẽ Đức Giêsu không phải là “Người Nghèo” đích thật đáng để nhận một quà tặng như thế?

Cái nhìn của Đức Giêsu là cái nhìn đón nhận, khác hẳn cái nhìn của những người kia: “Hãy để cho cô yên.” Ngài bênh vực chị, một lời bênh vực có tầm mức chưa từng thấy.

– “Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy”. Đức Giê-su hướng quà tặng của cô Maria tới cuộc Thương Khó mà Ngài sắp trải qua. Như thế, “Hương Thơm Bêtania” được tháp nhập vĩnh viễn vào Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, và cả Sự Phục Sinh nữa, vì hương thơm là biểu tượng của sự sống.

– “Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”. Đức Giêsu đồng hóa mình với người nghèo (x. Mt 25, 35), nhưng Ngài vẫn muốn mình được ưu tiên hơn mọi người nghèo mỗi khi ngài hiện diện. Bởi vì Ngài là Người Nghèo đích thật của Thiên Chúa (x. 2 Cr 8, 9; Pl 2, 5-11).

3. Anh Ladarô

Anh Ladarô là “sướng nhất”, được ngồi dự tiệc với Đức Giê-su. Ngang qua trình thuật kể lại biến cố Đức Giê-su làm cho anh hồi sinh, chúng ta biết rằng, anh được Đức Giê-su ưu ái đặc biệt: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng” (Ga 11, 3), “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết” (c. 21 và 32), “Đức Giê-su liền khóc. Người Do Thái mới nói: kìa xem, ông ta thương Ladarô biết mấy!” (c. 35-36).

Tin Mừng chẳng hề nói một chi tiết nào về con người của anh, về “đức hạnh” của anh; và anh cũng chẳng phải là một trong các môn đệ đã bỏ mọi sự để đi theo Đức Giê-su rong ruổi cực khổ vất vả. Về anh, Tin Mừng như muốn làm nổi bật lên tình yêu nhưng không tuyệt đối Đức Giê-su dành cho anh. Giống như trường hợp của Đức Maria, tình yêu nhưng không tuyệt đối Đức Giê-su dành cho anh, chính là để anh cũng có thể dâng lại vô điều kiện cho Chúa tất cả, để anh thi hành “sứ mạng đặc biệt”, đó là cùng chết với Đức Giê-su và như Đức Giê-su, nghĩa là trong sự hiền lành tuyệt đối không chút phản kháng: “Các Thượng Tế quyết định giết cả anh Ladarô nữa” (Ga 12, 10).

*  *  *

Như thế, cả ba chị em đều thông phần trọn vẹn vào Mầu nhiệm Vượt Qua, chết và phục sinh của Đức Ki-tô, theo cách của mình, bởi lòng mến Đức Giê-su dành cho ba chị em và vì lòng mến mà ba chị em dành cho Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc