“ECCE HOMO!” – Đây Là Người! (Thứ 6 Tuần Thánh)

5 lượt xem 18 Tháng 4, 2025

Thập giá là trung tâm của đời sống kitô hữu, bởi đó là trung tâm của mạc khải thần linh. Thập giá biểu hiện tốt cùng của sự ô nhục và hình khổ mà con người gán cho một phạm nhân trọng tội trong xã hội lúc bấy giờ. Thiên Chúa chí thánh bị con người gán cho tội chết, bị coi là đồ ghê tởm và bị những thụ tạo của mình coi khinh, chối bỏ và loại ra ngoài như một thứ phế thải. Thiên Chúa đi tới chỗ sâu nhất của phận người, tới chỗ bị loại trừ để dẫn con người tìm lại hình ảnh đích thực của Đấng tạo thành. Chỉ có Thiên Chúa, tình yêu của Người mới vực con người từ đáy vực sâu, từ chỗ phân mảnh để tìm lại hình ảnh đích thực của Đấng tạo thành. Đấng bị kết án là tội đồ lại được giới thiệu là con người đích thực Ecce homo! Đức Hồng y Cantalamessa có những suy tư thật sâu sắc trong bài chi sẻ với giáo triều trong Cử hành tưởng niệm cuộc thương khó vào thứ sáu Tuần thánh như sau:


  1. Đức Giêsu bị lăng nhục

Bấy giờ ông Philatô truyền đem Ðức Giêsu đi và đánh đòn Người. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: “Kính chào Vua dân Do Thái!”, rồi vả vào mặt Người…Vậy, Ðức Giêsu bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Philatô nói với họ: “Ðây là người – Ecce Homo! (Ga 19,1-3.5)

Trong vô số những bức tranh lấy Ecce Homo làm chủ đề, có một bức tranh đã luôn luôn gây ấn tượng cho tôi. Đó là bức tranh của một họa sĩ Jan Mostaert. Hãy để tôi cố gắng mô tả bức tranh này. Điều đó sẽ giúp ghi một dấu ấn tốt hơn trong tâm trí của chúng ta về biến cố này, vì người nghệ sĩ đã trung thành sao chép thành tranh các sự kiện của trình thuật Phúc âm, đặc biệt là Phúc âm của Thánh Máccô (x. Mc 15,16-20). Cha Cantalamessa quảng diễn tiếp như sau:

Chúa Giêsu đầu đội một mão gai. Một bó những nhánh cây đầy gai được tìm thấy trong sân, có lẽ dùng để nhóm lửa, đã cho các các binh sĩ một cơ hội để chế giễu vương quyền của Người. Những giọt máu chảy xuống trên khuôn mặt Người. Miệng Người mở ra một nửa, như một người đang bị khó thở. Vai Người khoác một áo choàng nặng và bạc thếch, giống như làm bằng thiếc hơn là bằng vải. Trên vai Chúa là những vết thương ngang dọc từ trận đòn gần đây. Hai cổ tay của Người bị buộc lại với nhau bằng một sợi dây thừng thô thắt hai vòng. Chúng bắt Người cầm một cây sậy trong tay như vương trượng, còn tay kia chúng bắt ngài cầm những nhành lá như những biểu tượng nhằm chế giễu vương quyền của Người. Chúa Giêsu không thể di chuyển dù chỉ một ngón tay; đây là một con người bị chà đạp xuống đến mức hoàn toàn bất lực, là nguyên mẫu của tất cả những con người trong lịch sử với bàn tay bị khóa chặt.

Khi suy niệm về cuộc thương khó, nhà triết học Blaise Pascal đã viết những lời này một ngày nào đó: “Chúa Kitô sẽ còn phải đau đớn cho đến ngày tận thế; chúng ta đừng mê ngủ trong thời gian này”. Có một ý nghĩa trong những lời này rất đúng với chính con người của Chúa Kitô, nghĩa là đúng với Đấng là đầu của nhiệm thể, chứ không chỉ đúng với các thành viên của nhiệm thể ấy. Không phải là chúng ta bỏ qua sự kiện là Chúa đã sống lại và đang sống, nhưng chính vì Người đã sống lại và đang sống. Nhưng thôi, chúng ta hãy bỏ qua một bên ý nghĩa khó hiểu này và thay vào đó đề cập đến một ý nghĩa rõ ràng nhất của những lời này. Chúa Giêsu sẽ còn phải đau đớn cho đến ngày tận thế trong mỗi người nam nữ đang cùng một nỗi thống khổ của Người. “Các ngươi đã làm cho chính Ta!” (Mt 25,40). Người nói những lời này không chỉ với các tín hữu đặt niềm tin nơi Người; nhưng là với mỗi người nam nữ đang đói khát, trần truồng, chịu ngược đãi, giam cầm.


  1. Nơi những nạn nhân, Đức Giêsu tiếp tục bị loại bỏ

Xin được một lần đừng nói chung chung về những tệ nạn xã hội: nghèo đói, bất công, và bóc lột những người yếu thế. Những tệ nạn này vẫn thường được nói đến (dù chẳng bao giờ là đủ), nhưng có nguy cơ là những tệ nạn ấy trở thành trừu tượng, thành những phạm trù chứ không phải là những con người. Thay vào đó, chúng ta hãy nghĩ đến những đau khổ của các cá nhân, những người có tên tuổi và danh tính cụ thể; hãy nói đến những nhục hình do con người quyết định đưa ra trong máu lạnh và trong sự tự nguyện để làm thương tổn những người khác, kể cả các hài nhi tại thời điểm này.

Có biết bao những trường hợp “Ecce homo” (“Đây là người!”) trên cái thế giới này! Có biết bao tù nhân thấy mình đứng trước tình trạng tương tự như Chúa Giêsu trước tòa Philatô: cô đơn, tay bị còng, bị tra tấn, chỉ còn biết trông đợi nơi lòng thương xót của đám quân lính thô bạo đầy thù hận là những kẻ tham gia vào tất cả các loại tàn ác về thể chất và tâm lý và là những kẻ thích thú trước những đau khổ của người khác. “Chúng ta đừng mê ngủ; chúng ta đừng bỏ họ một mình!”

Tiếng hô “Ecce homo!” áp dụng không chỉ cho các nạn nhân nhưng còn cho những kẻ tra tấn. Nó có nghĩa là, “đây là những gì con người có thể làm được!” Với sự sợ hãi và run rẩy, chúng ta cũng hãy nói, “đây là những gì nhân loại có thể làm được!” Chúng ta đã tiến được bao xa trong cuộc diễn hành tiến về phía trước không thể ngăn cản được, so với homo sapiens sapiens (con người hiện đại thời Khai Sáng), so với loại người, mà một số người nào đó cho rằng đã được sinh ra từ cái chết của Thượng Đế để thay thế cho Người!


  1. Đức Giêsu, con người đích thực

Qua cử hành phụng vụ suy tôn thập giá, nhưng thực ra thập giá được suy tôn bởi nó đã được ôm lấy bởi Đấng đáng mọi lời tán dương chúc tụng, Đấng đáng lãnh nhận vinh quang, danh dự và uy quyền. Thập giá, con đường dẫn chúng ta đến và suy phục vương quyền Giêsu, là con đường đặt mình trước mầu nhiệm tình yêu tự hiến để chiêm ngắm: một Giêsu trận trụi, một Giêsu không còn gì, một Giêsu bị thách thức, chỉ là hạt lúa mì nhỏ bị chôn vùi trong lòng đất nhân thế, để sinh nhiều bông hat,… và đó là Giêsu của tất cả, của khởi nguồn và cùng đích, dù được giới thiệu với ý hướng lăng mạ, song Người là “VUA DÂN DO THÁI” (Lc 23,18), là “sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa”. Bởi thế, THẬP GIÁ, mạc khải cho chúng ta biết sự thật về Thiên Chúa và con người.

Đức Vua của chúng ta bị liệt vào hàng phế thải như thế: bị đóng đinh với những kẻ gian phi, chịu sự xỉ nhục lăng mạ của người đời. “Con người, mi đối xử với Người Công Chính như vậy bởi chính mi mới là đứa bất chính, người luôn cần thấy đổ lên người khác sự bất chính để tự bào chữa cho mình”. Gioan trong Tin mừng thứ tư đã giới thiệu: “Ecce homo – đây là người”. Lời này nói với chúng ta, con người là thế. Con người không chân thật đó lại là sự thật về con người. Như thế, Người Công Chính bị đóng đinh trở thành tấm gương trưng ra cho người ta nhìn thấy khuôn mặt trần trụi, không sơn phết của chính mình”: con người luôn tìm cách hạ bệ, xỉ báng, thách thức người khác, thách thức cả quyền năng của Thiên Chúa. Thập giá vén mở cho chúng ta biết sự thật về con người, sự thật của từng người chúng ta, những tội nhân, những người cần được cứu lấy bởi một Ai khác, bởi Đấng đã trở nên hiện thân của tội, dù Người là Đấng chí thánh để chúng ta tìm lại bản vị đích thực của con người – hình ảnh của Thiên Chúa.

Lm. Hoa Thập Tự 

Nguồn tin: dcvphanxicoxavie.