Nhờ Ánh Sáng Của Người, Chúng Ta Được Nhìn Thấy (Suy Niệm Thứ 7 Vọng Phục Sinh)

5 lượt xem 19 Tháng 4, 2025

Đêm vọng Phục sinh, cả Giáo hội canh thức bên mộ Chúa, khắc khoải đợi chờ Ánh quang Phục sinh toả rạng; Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối cõi nhân sinh của tội lỗi và sự chết; Ánh sáng rạng soi ý nghĩa hiện hữu của hữu thể nhân linh và của toàn vũ trụ. Bởi vậy, khởi đầu phụng vụ Canh thức Vượt qua hôm nay bằng việc cung nghinh Ánh sáng: Ánh sáng Phục sinh, Ánh sáng Lời mạc khải, Ánh sáng đức tin: “Nhờ ánh sáng của Ngài, lạy Chúa, chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10).


  1. “Ánh sáng Chúa Kitô”

“Chúa là sự sáng và là ơn cứu độ của tôi”. Chính “Thiên Chúa là Ánh sáng, nơi Người không có chút bóng tối nào” (1Ga 1,5). Ánh sáng luôn ngự trong chốn siêu phàm đã “đến thế gian” và “trở nên người phàm”, Đức Giêsu Kitô, Đấng chiếu soi mọi người còn ngồi trong bóng tối tử thần. Người là Ánh sáng thế gian, Ánh sáng đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho hiện hữu nhân sinh và cả vũ trụ.

Ánh sáng Chúa Kitô”. Phụng vụ canh thức Vượt qua hôm nay khởi đầu và được dọi chiếu bởi yếu tố trung tâm là việc thắp nến và cung nghinh Ánh sáng. Đó là Ánh Vầng Đông, Ánh Sao Mai – Đức Kitô rọi chiếu trong khắp cõi nhân sinh. Quả vậy, cả vũ trụ nằm trong đêm tối đang mong đợi ánh sáng, nhân loại tội lỗi và chết chóc đang mong chờ ơn giải thoát. Trong đêm tối của cõi nhân sinh và vũ trụ ấy, “Ánh sáng Chúa Kitô” xuất hiện phá tan màn đêm đen tối. Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính. Niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay” (Tv 96,11).

Chính Đức Kitô, “Ánh sáng cho muôn dân tộc, “ơn cứu độ cho đến tận bờ cõi trái đất” (Is 49,6). Người được Gioan giới thiệu là “Ánh sáng thật đã đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,10), và chính Người khẳng định: “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Ánh sáng đó đã xuất hiện trong mầu nhiệm Nhập Thể và rọi chiếu nhân gian trong mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh. Bài ca Exsultet – Tin mừng Phục sinh ca ngợi ánh sáng đã diễn tả:

Mừng vui lên hỡi khắp miền dương thế, bốn bể đang rực rỡ ánh hào quang. Vua vĩnh cửu nay rạng ngời chiếu sáng, đẩy lùi xa bóng tối của trần gian… Chính đêm nay, lòng Chúa nhân từ giải thoát cha ông khỏi ách Ai cập; chính đêm nay, cột lửa sáng rực cả bầu trời đẩy lùi bóng tối tăm tội lỗi; chính đêm nay, tín hữu khắp cả địa cầu thoát khỏi thói đời sa đọa, thoát vòng vây tội lỗi bủa vây; chính đêm nay, ‘đêm sáng tỏ như ban ngày, đêm rạng ngời làm vui thỏa lòng người…

Thứ Bảy Tuần thánh là đêm canh thức, đêm mà Dân Chúa đọc lại các biến cố cứu độ để sống trong thức tỉnh của đời mình. Đêm nay Chúa không ngủ, Đấng Canh Thức đang dõi nhìn dân Người (x. Tv 121,4), để đưa họ thoát vòng nô lệ và mở ra một thông lộ dẫn đến tự do. Đó là Ánh sáng đích thực cho Dân Chúa tìm về cõi nhân sinh.


  1. Ánh sáng Lời mặc khải

Trong đêm canh thức này, cộng đoàn tín hữu được nuôi dưỡng và dẫn lối bởi ánh sáng Lời Chúa. Bởi thế, phụng vụ Lời Chúa là phần căn bản của đêm canh thức hôm nay, như khẳng đinh của thánh Augustinô: “Để chờ đón Chúa Kitô Phục Sinh, Giáo hội lắng nghe Sách thánh, nhằm nuôi dưỡng lòng tin và niềm hy vọng. Giáo Hội canh thức chờ Chúa đến, mắt đức tin đắm chìm vào Kinh Thánh như ngọn đuốc chiếu soi vào đêm tối”.

Trong đêm cực thánh này, Giáo hội mời gọi chúng ta sống lại các biến cố của lịch sử cứu độ, từ việc Thiên Chúa tạo dựng, chọn gọi và thiết lập dân ưu tuyển từ Abraham, rồi biến cố giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai cập và dẫn đưa họ vào miền đất hứa cho đến khi Thiên Chúa sai Con của Người đến hoàn tất. Trong tiến trình này, chúng ta nhận ra bàn tay Thiên Chúa đã thực hiện những việc lạ lùng trong cõi nhân sinh, chính Thiên Chúa là sự sáng và là ơn cứu độ của chúng ta” (x. Tv 26,1).

Được soi dẫn bởi Lời Chúa, chúng ta tìm thấy ý nghĩa vẹn nguyên của hiện hữu chúng ta trong kế hoạch yêu thương của Người. Thiên Chúa, bằng tình yêu vô bờ bến đã từng bước, trong sự kiên nhẫn mạc khải chính mình Người cho con người. Thư gửi tín hữu Do thái khẳng định: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri; nhưng vào thời sau hết này, Người đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử, Đấng Người đã chỉ định làm người thừa kế mọi sự, nhờ Đấng này Người đã tạo dựng thế giới” (1,1-2).

Lời Chúa mời gọi chúng ta đọc từng biến cố Thiên Chúa đến với con người: Đẹp đẽ biết bao khi thấy toàn bộ Cựu ước đối với chúng ta chỉ là lịch sử trong đó Thiên Chúa thông đạt lời của Người: thực thế, “sßau khi ký giao ước với Abraham (x. St 15,18) và với dân Israel qua Môisê (x. Xh 24,8), Người đã dùng lời nói, việc làm mạc khải cho dân Người đã chọn để họ biết Người là Thiên Chúa độc nhất, chân thật và hằng sống, để Israel nghiệm thấy đâu là đường lối Thiên Chúa đối xử với loài người, và để nhờ chính Người phán dạy qua miệng các Ngôn sứ, ngày qua ngày, họ thấu hiểu các đường lối ấy cách sâu đậm và rõ ràng hơn, để rồi đem phổ biến rộng rãi nơi các dân tộc (x. Tv 21,28-29; 95,1-3; Is 2,1-4; Gr 3,17).

Sự “hạ cố” này của Thiên Chúa được thể hiện một cách cao vời trong việc nhập thể của Ngôi Lời. Lời hằng hữu, được phát biểu trong sáng thế và được thông truyền trong lịch sử cứu rỗi, trong Chúa Kitô làm người, “sinh bởi người đàn bà” (Gl 4,4). Ở đây, lời được phát biểu chủ yếu không bằng lời nói, quan niệm hay qui luật. Chúng ta đang nói tới một sự mới mẻ vô tiền khoáng hậu và trí khôn con người không thể nào quan niệm nổi: “Lời trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14a). Lời thành hình, không pải bằng hình tượng của lời nói mà bằng xác thể, nhờ đó, chúng ta, nói như thánh Gioan: “Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người, vinh quang của Con Một Chúa Cha, đầy ơn thánh và sự thật” (Ga 1,14b). Lời được loan bao trải dài trong lịch sử, được thâu gọn trong một con người (x. Verbum Domini 11).

Toàn bộ mạc khải, những gì Thiên Chúa nói và hành động được tóm gọn: “Chúa đã làm cho lời Người ngắn lại, Người đã ‘viết tắt’ nó’” (Is 10,23; Rm 9,28). Chúa Con là Lời, Logos: Lời vĩnh cửu ấy đã trở nên nhỏ mọn, nhỏ đến có thể vừa tầm với một máng cỏ. Người trở nên một con trẻ, để chúng ta có thể nắm được lời ấy. Giờ đây, lời không những nghe được; không những có một tiếng nói, mà còn có một khuôn mặt, một khuôn mặt ta có thể nhìn được: đó là khuôn mặt của Chúa Giêsu thành Nazaréth. Các Giáo phụ, khi suy niệm mầu nhiệm này: “Vô lời là Lời của Chúa Cha, Đấng đã làm cho mọi tạo vật nói, vô sinh là mắt của Đấng mà lời nói và cái gật đủ làm mọi sinh vật cử động”. Trong mầu nhiệm vĩ đại này, Chúa Giêsu được mạc khải như lời của giao ước mới và trường cửu: tự do Thiên Chúa và tự do con người đã dứt khoát gặp nhau trong thân xác bị đóng đinh của Người, trong một thỏa hiệp bất khả tiêu và có giá trị vĩnh viễn (Sacramentum Caristatis 12).

Trong mầu nhiệm vô cùng rực rỡ của phục sinh, sự im lặng này của lời được diễn tả bằng một ý nghĩa chân chính và dứt khoát. Chúa Kitô, Lời nhập thể, chịu đóng đinh và sống lại của Thiên Chúa, là Chúa Tể mọi loài; Người là Đấng chiến thắng, là Đấng Toàn Năng (Pancrator), và do đó, mọi loài được triệu tập trong Người mãi mãi (x. Ep 1,10). Như thế, Chúa Kitô là “ánh sáng thế giới” (Ga 8,12), ánh sáng “chiếu trong bóng tối” (Ga 1,5) và bóng tối không diệt được nó (Ga 1,5). Ở đây ta hiểu được đầy đủ ý nghĩa các lời sau đây của Thánh Vịnh 119: “Lời Ngài là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (c. 105); Lời phục sinh dứt khoát là ánh sáng chỉ đường ta đi. Từ khởi thủy, Kitô hữu đã hiểu rõ rằng trong Chúa Kitô, lời Thiên Chúa vốn hiện diện như một ngôi vị. Lời Thiên Chúa quả là ánh sáng đích thực mà con người cần đến. Trong phục sinh, Con Thiên Chúa thực sự xuất hiện như ánh sáng thế giới. Giờ đây, nhờ sống với Người và trong Người, ta có thể sống trong ánh sáng.


  1. Ánh sáng đức tin

Trong đêm linh thánh này, chúng ta hoan hưởng ánh sáng Phục sinh, ánh sáng Chúa Kitô. Bởi thế, trong phụng vụ canh thức vượt qua hôm nay, mọi con cái cùng với Mẹ Giáo hội, tay cầm nến sáng, tượng trưng cho ánh sáng đức tin, được thắp từ Cây nến Phục sinh, tượng trưng cho Chúa Kitô hân hoan chúc tụng vinh quang Chúa và tuyên xưng lại đức tin Phép rửa, như Vịnh gia 36 diễn tả: “Nhờ ánh sáng của Người, chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10).

Việc thắp nến phục sinh và chia ánh sáng từ cây nến duy nhất nói về đức tin của chúng ta bắt nguồn từ một nguồn duy nhất. Chính đức tin sọi sáng hiện hữu của chúng ta trong mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô. Thông điệp Lumen fidei khẳng định:

 “Trong ánh sáng việc Phục Sinh, cái chết của Đức Kitô cho thấy rõ mức độ hoàn toàn đáng tin cậy của tình yêu Thiên Chúa. Như Đấng Phục Sinh, Đức Kitô là nhân chứng đáng tin cậy, xứng đáng với đức tin (x. Kh 1,5; Dt 2,17), là sự nâng đỡ vững chắc cho đức tin của chúng ta. Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em là đức tin vô ích” (1 Cr 15,17). […]. Khi Thánh Phaolô nói về đời sống mới trong “đức tin vào Con Thiên Chúa, là Ðấng đã yêu thương tôi và đã hiến mạng sống Mình vì tôi” (Gl 2,20). “Đức tin vào Con Thiên Chúa” này chắc chắn là đức tin của Vị Tông đồ Dân ngoại vào Chúa Giêsu, nhưng nó cũng nói lên rằng Chúa Giêsu đáng tin cậy, không chỉ dựa trên tình yêu cho đến chết của Người mà còn trên việc Người là con Thiên Chúa, Đấng thực sự hoạt động trong lịch sử và quyết định vận mệnh cuối cùng của nó, một tình yêu mà con người có thể gặp gỡ, một tình yêu hoàn toàn được mặc khải trong cuộc Khổ Nạn, Cái chết và Phục sinh của Đức Kitô (Lumen fidei, 17).

Ánh sáng đức tin dẫn chúng ta tới tuyên nhận Đấng chúng ta tín thác và hy vọng, Đấng đưa hiện hữu của chúng ta đạt tới sự viên thành, đạt tới ơn cứu độ là sự sống đời đời trong Chúa Giêsu, sự viên mãn của mạc khải nhờ Thánh Thần của Người. Thánh Gioan đã đưa ra tầm quan trọng của một mối liên hệ cá nhân với Chúa Giêsu đối với đức tin của chúng ta bằng cách sử dụng các cách dùng khác nhau của động từ tin. Ngoài việc “tin rằng” những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta là sự thật, thánh Gioan cũng dùng thuật ngữ “tin” Chúa Giêsu và “tin vào” Chúa Giêsu. Chúng ta “tin” Chúa Giêsu khi chúng ta chấp nhận Lời Người, chứng từ của Người, bởi vì Người trung thực (x. Ga 6,30). Chúng ta “tin vào” Chúa Giêsu khi chúng ta đích thân đón Người vào cuộc đời và cuộc hành trình của chúng ta về phía Người, gắn bó với Người trong tình yêu và bước theo Người trên đường đời (x. Ga 2,11; 6,47; 12,44). “Nhờ ánh sáng của Ngài, chúng ta được nhìn thấy ánh sáng”. Đó là ánh sáng đức tin vào Đức Giêsu, Đấng là Ánh sáng thật, Ánh sáng bởi Ánh sáng.

Qua nghi thức này, Giáo Hội mời gọi chúng ta ý thức mình là những người đã chết và được sống lại với Đức Kitô. Hãy hiên ngang dấn thân theo Chúa và trung thành phụng sự Người; hãy chết đi cho tội lỗi, cho ích kỉ và những gì làm chúng ta xa Chúa, để luôn sống đúng với danh xưng là con cái Thiên Chúa. Và nhờ đó, chúng ta tiến bước vào trong niềm hy vọng hồng phúc, được phục sinh với Chúa Kitô:

Trong đức tin, quà tặng của Thiên Chúa, một nhân đức siêu nhiên được Người truyền cho chúng ta, chúng ta nhận ra rằng một Tình yêu cả thể đã được ban cho chúng ta, một Lời nhân lành đã được nói với chúng ta, và khi chúng ta chào đón Lời này, là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, soi sáng con đường đi đến tương lai và làm lớn lên trong chúng ta đôi cánh hy vọng để nó đồng hành với chúng ta. Trong một sự đan kết tuyệt vời, đức tin, đức cậy và đức mến tạo thành động lực của đời sống Kitô hữu hướng đến sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Nhưng con đường này mà đức tin mở ra trước mắt chúng ta thì thế nào? Ánh sáng mạnh mẽ này là ánh sáng cho phép chiếu soi cuộc hành trình của một cuộc đời thành công và sinh đầy hoa trái đến từ đâu? (Lumen fidei, 7)

Lm. Hoa Thập Tự 

nguồn: https://www.dcvphanxicoxavie.com