Ý nghĩa của đau khổ

317 lượt xem 22 Tháng mười, 2024
Ý-nghĩa-đau-khổ

Ý nghĩa của đau khổ

Thập Giá không hệ tại ở sự chồng chất những đau khổ thể xác, làm như thế đau khổ càng nhiều bao nhiêu thì giá trị cứu chuộc của Thập Giá càng nhiều bấy nhiêu. Thực chất, giá trị của Thập Giá nằm trong tình yêu tự hiến trọn vẹn mà Đức Kitô đã thể hiện qua sự vâng phục thánh ý Chúa Cha để cứu độ nhân loại.
“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”.(Philiphe 2,6-11)
Như Thánh Phaolô từng nói: “Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”(x.Cl 1,24b). Vì vậy, đau khổ là một phần không thể tách rời của hành trình làm người, và trong đó, người tín hữu có cơ hội tham dự vào mầu nhiệm cứu độ. Khi chấp nhận đau khổ với tình yêu, sự hy sinh của chúng ta được kết hợp với Thập Giá của Đức Kitô và có thể mang lại hoa trái thiêng liêng, không chỉ cho bản thân mà còn cho thế giới. Như vậy, đau khổ không phải là điều vô nghĩa; thay vào đó, chúng ta có thể tự hỏi: Liệu những thử thách này có phải là cơ hội Chúa trao ban để chúng ta trưởng thành trong đức tin và tình yêu? Và liệu có phải ngang qua đau khổ, Chúa đang kêu gọi chúng ta bước vào một sứ mạng lớn hơn hay không?
“Các Thánh không ai giống ai, tinh tú trên trời không có cái nào giống cái nào. Nhưng các Thánh đều giống nhau một điểm: Các ngài đã diễn tả lại cuộc đời Chúa Giêsu” (ĐHV 308). Các ngài đã đối diện với đau khổ không chỉ như một thử thách, mà như một cơ hội để hoàn thiện bản thân trong đức tin. Cuộc đời của Mẹ Teresa Calcutta là một ví dụ điển hình. Mẹ đã đối diện với những thử thách nội tâm lớn lao, đặc biệt là khi nhận lời mời gọi của Chúa để rời khỏi dòng cũ và lập một hội dòng mới chuyên lo việc bác ái. Dù đối mặt với ‘đêm tối’ của đức tin, mẹ vẫn kiên vững trong sứ mạng của mình, một niềm tin sâu sắc tận hiến đời mình cho chương trình của Chúa. “Những đau khổ của chúng ta là sự âu yếm ân cần từ Thiên Chúa, kêu gọi chúng ta quay về với Người, và khiến chúng ta nhận ra rằng không phải chúng ta kiểm soát cuộc sống của mình, nhưng chính Thiên Chúa là Đấng kiểm soát và chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy vào Người.” (Mẹ Teresa Calcutta)
Chúng ta cũng có thể nhìn vào gương của Thánh Phaolô Tông đồ, người đã trải qua vô vàn gian khổ trong hành trình truyền giáo: Từ những thử thách khắc nghiệt như bị đánh đập, tù đày, cho đến các hành trình nguy hiểm, và cả những cuộc chiến đấu giằng co nội tâm “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: Vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.” (Rm 7,15). Trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, Ngài viết: “Tôi đã làm việc khó nhọc hơn, ở tù nhiều hơn, chịu đánh đập quá chừng, nhiều phen suýt chết” (2 Cr 11, 23-27). Nhìn vào kinh nghiệm của Thánh Phaolô, chúng ta nghiệm thấy rằng việc né tránh đau khổ không phải là giải pháp để đạt được sự bình an đích thực. Thay vào đó, chính trong việc đón nhận mọi sự với lòng phó thác, xin ơn trung tín và giữ vững niềm vui kiên trì trên hành trình gian khó, ta mới tìm thấy sức mạnh. Niềm xác tín vào lời hứa của Đức Kitô: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9).
Quả thật, cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng và con đường đi không phải lúc nào cũng phẳng lặng. Thế giới này không phải là một chốn ảo ảnh (maya) mà con người cần phải chạy trốn hay thoát khỏi vòng xoáy của đau khổ bất tận. Trái lại, đây là một thế giới thật, nơi có cả sự tốt đẹp lẫn thử thách. Mặc dù có sự dữ và đau khổ, thế giới này vẫn xứng đáng để chúng ta sống và yêu thương. Như Friedrich Nietzsche có câu nói: “Điều không giết chết được chúng ta sẽ làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn”. Đau khổ, vì thế, không phải là dấu chấm hết mà là điểm khởi đầu của một hành trình mới đầy hy vọng và cơ hội, mạnh mẽ và tiến bước. Chính trong sự vấp ngã, chúng ta hiểu rõ hơn về sự mong manh của cuộc sống và giá trị của tình yêu thương. Những nỗi đau và thất bại không chỉ đơn thuần là thử thách, mà còn là cơ hội để chúng ta tự vấn bản thân, xem xét lại con đường mình đang đi và nhận ra những khía cạnh mới qua ánh sáng của đức tin.
Martin Luther, nhà cải cách đạo Tin Lành, đã từng nói: “Chính trong bóng tối, bạn mới có thể nhìn thấy các vì sao.” Cuộc hành trình này không hề dễ dàng. Những sai lầm và khó khăn không hẳn là chướng ngại, mà đôi khi lại là động lực giúp chúng ta thăng tiến, mở ra những hướng đi mới đặt nền tảng vững chắc cho hành trình đức tin. Là một cuộc chiến đấu không ngừng, trong đó sai lầm cũng đóng vai trò tích cực, bởi chính chúng là quy luật nền tảng và thường hằng cho sự thăng tiến của tư tưởng con người.
Cuối cùng, đau khổ cũng là phương tiện để chúng ta tiến gần đến Thiên Chúa. Khi mọi thứ dường như sụp đổ, chúng ta dễ dàng nhận ra sự bất toàn của bản thân và tìm đến nguồn sức mạnh vô biên từ Ngài. Chúa muốn nói gì với tôi trong hoàn cảnh cụ thể này hay hoàn cảnh cụ thể kia. Chính khi tìm ra ý nghĩa của cuộc sống ngang qua đau khổ. Chúng ta trân trọng từng ngày sống với lòng biết ơn. Tạ ơn Chúa vì mọi sự Ngài đang thực hiện trên cuộc đời mỗi người.
Để tìm lại điều tôi đã tìm lại được,
Trước hết tôi phải mất đi điều mà tôi đã đánh mất.
Để có được cái tôi đã từng sở hữu,
Tôi phải trải qua khổ đau và tiếc nuối.
Những năm tháng trôi qua, như cơn gió thoảng,
Mang theo niềm vui, nỗi buồn, và kỷ niệm.
Tôi học được cách yêu thương và buông bỏ,

Để ngày nay biết yêu thương,
Tôi đã phải chịu thương đau,
Tôi nghĩ đau khổ vì những gì mình đã trải là điều hay
Tôi nghĩ khóc cho những gì mình đã khóc là điều hay
Vì cuối cùng, tôi nghiệm ra rằng
Ta chỉ thực sự vui hưởng niềm vui đã có khi đã biết đau khổ vì nó.

Trên hành trình tìm kiếm, tôi tìm thấy chính mình,
Qua mỗi vết thương, tôi mạnh mẽ hơn.
Những mất mát đã dạy tôi biết trân trọng,
Những gì từng thuộc về tôi, nay lại sáng ngời.
Teresa Acutis Phạm Hiệp