Đề tài: Đâu là những thao thức, những mong chờ của bạn nơi Giáo hội?
Bài tiểu luận môn Giáo Hội Học của Sơ Maria Nguyễn Thị Hồng, OP
Sống giữa một thế giới đầy phức tạp và rủi ro như hiện nay, lối sống an phận dường như đang trở nên xu thế được chọn lựa và ưa chuộng của rất nhiều người. Lối sống ấy giờ đây không chỉ là xu thế trong xã hội nói chung mà còn đang thịnh hành trong đại đa số nhiều thành phần của Giáo hội nói riêng. Bởi là con người, ai cũng muốn cho mình một cuộc sống an toàn nên dễ chấp nhận những điều trái ngang để được yên thân, không dám nghĩ, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, không dám dấn thân,…Trước thực trạng đang xảy ra như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Của Tin Mừng đã lên tiếng: Tôi muốn có một Hội Thánh bị tai nạn, bị thương tích và dơ bẩn vì bước ra đường phố, hơn là một Giáo hội bệnh tật ốm yếu vì đóng kín và an toàn bám víu vào những thứ bảo đảm cho mình”.[1] Ước muốn tốt lành ấy cũng là thao thức của tôi cho Giáo hội trong thế giới hôm nay. Bài viết sau đây với chủ đề “Giáo hội để dấn thân hơn là an thân” như một chút nào đó nói lên nỗi lòng thao thức từ chính bản thân người viết.
- Tại sao Giáo Hội phải dấn thân?
Giáo hội dấn thân. Đó không phải là một tùy chọn nhưng là căn tính của Giáo hội, một sứ mạng được trao từ chính Thiên Chúa. Đức Kitô – Đấng lập nên Giáo hội đã tiên phong trong việc dấn thân khi trút bỏ vinh quang, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế vì chúng ta và để cứu độ chúng ta (x. Pl 2, 6 – 7). Do đó, theo gương Đức Kitô, Giáo Hội nhất thiết cần phải dấn thân vào trong thế giới hôm nay để thực hiện và tiếp nối công cuộc cứu độ của Ngài, làm cho phúc lộc của Thiên Chúa được trổ sinh hoa trái, như lời xác tín của Công đồng Vaticano II trong Hiến chế Gaudium et Spes: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ”. [2]
Thật vậy, xã hội sẽ lụi tàn nếu thiếu những người hết lòng dấn thân. Hội Thánh cũng sẽ thiếu sức sống nếu thiếu các Kitô hữu nhiệt thành phụng sự Chúa và phục vụ con người. Vì thế, dấn thân là yếu tố quan trọng trong ơn gọi của con người để làm thăng tiến xã hội và là dấu chỉ sự hiện diện sống động của Hội Thánh giữa lòng thế giới vì thiện ích nhân loại. [3]
- Giáo hội phải làm gì để dấn thân?
Như lời Chúa Giê su đã nói trong Tin Mừng theo thánh Mattheu: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em” (Mt 5, 16). Bởi thế, Giáo hội với những môn đệ đích thực của Chúa Kitô không phải là người tìm nếp sống an phận trong việc cử hành Phụng vụ với các nghi lễ mang tính hình thức bên ngoài và trong việc thực hành luân lý thường ngày, nhưng là những người can đảm và hăng hái “lên đường”, đi ra khỏi chính mình để đến với “vùng ngoại biên” và sống niềm vui Tin Mừng giữa dòng đời, thắp sáng niềm tin cho thế giới bằng đời sống bác ái yêu thương, hy sinh phục vụ tha nhân.[4]
Ra khỏi chính mình là ra khỏi cái vỏ bọc an toàn và những quy tắc, tính toán của bản thân để dám mở ra, dám đi vào, dám chịu trách nhiệm vì tha nhân và cùng với tha thân trở nên chứng nhân lòng thương xót của Thiên Chúa. Về điều này, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII là một mẫu gương cho chúng ta khi ngài dám ra khỏi cái gọi là truyền thống để mở ra một lối mục vụ mới cho Giáo hội. Chỉ sau vài tuần được bầu chọn làm Giám mục Rô ma, ngài đã rời khỏi Vatican, điều mà các vị Giáo hoàng tiền nhiệm trước đó chưa bao giờ thực hiện. Ngài đến bệnh viện Gesu Bambino để nâng niu những em bé và an ủi cha mẹ của các em, đến nhà tù Rôma để thăm viếng và nói chuyện với các tù nhân nơi này. Quả vậy, Giáo hội dấn thân là can đảm thoát ra và nhanh chóng “lên đường” để thể hiện niềm tin của mình ra bên ngoài bằng cung cách sống, bằng hành động của một chứng nhân chứ không phải trong sự khép kín của lối mục vụ bảo tổn.
Thêm nữa, đến với “vùng ngoại biên” là đến với những người nghèo vật chất, nghèo văn hóa, nghèo tâm linh, nghèo giá trị. Đó có thể là những người bị khinh thường, bị ức hiếp, những người bệnh tật đói khổ, người già yếu cô đơn. Đó còn có thể là những người không được nghe nói về Thiên Chúa hay những người có rửa tội nhưng sống như không có đức tin. Đó cũng có thể là những anh chị em đang gặp khổ đau chung quanh chúng ta. Thật vậy, thế giới đang cần lắm sự dấn thân của người môn đệ Chúa Ki tô để đỡ nâng, chia sẻ và đồng hành với những con người đang sống nơi “vùng ngoại biên” ấy.
- Tôi phải làm gì để góp phần làm nên một Giáo hội dấn thân hơn là an thân?
Phải dám nhìn nhận rằng, đại đa số những ai khi bắt đầu bước vào đời sống dâng hiến đều mang trong mình một lý tưởng mạnh mẽ là đi tu để được phục vụ Chúa và tha nhân. Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự ảnh hưởng của xã hội đã và đang bị tục hóa cũng như qua những thăng trầm của ơn gọi, lý tưởng ấy dường như ngày càng dần phai nhạt để rồi thay vì trở nên những cánh tay nối dài của Đức Ki tô qua sứ mạng phục vụ, họ lại chỉ muốn chọn cho mình một lối sống an yên tự tại với chủ nghĩa “makeno”. Thật xấu hổ khi dám nhìn nhận rằng, có lẽ một vài khoảnh khắc nào đó của hành trình ơn gọi, tôi cũng đã trở nên là một trong số ấy. Do đó, để trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Ki tô và để góp phần làm nên một Giáo hội dấn thân hơn là an thân, tôi được mời gọi tích cực dấn thân, hăng say thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng những việc làm cụ thể trong đời sống, trong ơn gọi, theo linh đạo và đặc sủng của Hội dòng mình. Cụ thể, là một nữ tu của Hiệp hội Đa Minh Tin Mừng với sứ mệnh “góp phần khiêm tốn của mình vào công cuộc loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay, trong bối cảnh đa văn hóa và đa phức tôn giáo, đồng thời nhằm thăng tiến con người và xoa dịu nỗi đau thương của anh chị em đồng loại, bệnh tật, bị bỏ rơi hay bị loại trừ”[5], tôi cần can đảm dấn thân hơn trong các chương trình, hoạt động của Hiệp hội cho những con người khốn khổ ấy. Chẳng hạn:
Khi được sai đến với các bệnh nhân tại các bệnh viện vào mỗi dịp cuối tuần, tôi cần bỏ qua những đắn đo, tính toán của các hoạt động cá nhân để vui vẻ đến với họ không phải như một trách nhiệm buộc thi hành mà như một phần thưởng và ân sủng Chúa ban vì được cùng Đức Kitô xoa dịu nỗi đau thương nơi những bệnh nhân ấy. Đồng thời, cố gắng đưa ra những sáng kiến nhằm giúp họ cảm nhận được niềm vui ngay trong chính nghịch cảnh của mình. Cùng với đó, trong mọi sứ vụ được giao, tôi cần đón nhận và thi hành với một tinh thần không ngại khó, không sợ sai, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mở ra cho những góp ý với mục đích mang lại thiện ích cho những người nghèo khổ….
Kết luận
Tóm lại, bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Tuy nhiên, để truyền giáo thì đòi hỏi phải dấn thân bởi thế giới hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy[6]. Giáo hội càng đóng kín thì sẽ càng trở nên hư thối. Vì thế, dù ở vai trò nào, địa vị nào, mỗi Kitô hữu trong Giáo hội đều được mời gọi trở thành một ngọn nến nhỏ, góp phần thắp sáng cuộc đời tối tăm này qua việc mở ra để dấn thân và trao ban. Quả vậy, nhờ sự dấn thân, nhiều ngọn nến nhỏ sẽ làm thành vầng sáng lớn, nhiều người thiện chí sẽ làm cho cuộc đời bớt đi ảm đạm của tội lỗi. Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong dụ ngôn “người Samari nhân hậu” hôm xưa cũng là lời Chúa đang nói với tôi và chúng ta hôm nay: “Hãy đi và làm như vậy”.
[1] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 49
[2] Công đồng Vaticano II, Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, 07.12.1965, số 1
[3] X. Nguyễn Văn Đương, S.J, Sứ mạng dấn thân xã hội, https://sjjs.edu.vn/event/su-mang-dan-than-xa-hoi/, truy cập ngày 07/01/2023
[4] X. Võ Tá Đương O.P, Dấn Bước Theo Thầy, NXB Văn hóa – Văn nghệ, tr.309
[5] Hiến pháp Hiệp hội Đa Minh Tin Mừng, số 4
[6] X. ĐGH Phao lô VI, Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 41
Tin cùng chuyên mục:
GIÁO HỘI – NGƯỜI LỮ HÀNH CỦA NIỀM HY VỌNG
LỜI GIỚI THIỆU SÁCH: LỊCH SỬ CÁC NĂM THÁNH TRONG DÒNG LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO RÔMA
MẦU NHIỆM CỦA MÙA VỌNG
Biết ơn trường đời