SỐNG NIỀM VUI “XIN VÂNG” NHƯ MẸ
(St 3:9-15.20; Ep 1:3-6.11-12; Lc 1:26-38)
Có một câu chuyện cảm động về tình mẹ như sau:
Một đêm mùa đông trời rất lạnh, một người mẹ ngồi nhìn đứa con nhỏ đang ngủ ngon trong vòng tay ấm áp của mình. Bà mỉm cười thật hạnh phúc và nhẹ nhàng nói nhỏ với đứa con những lời mà suốt cuộc đời người con không thể hiểu hết và không bao giờ được nghe cách trực tiếp từ miệng người mẹ (nhưng cách gián tiếp qua các hành động đầy yêu thương).
“Con yêu của mẹ. Con có biết ngày con bước vào cuộc đời mẹ và làm cho cuộc đời của mẹ bị đảo lộn như thế nào không? Mẹ cũng không biết sự đảo lộn này có tốt hay không. Nhưng mẹ chỉ biết một điều là: sự đảo lộn này làm cho cuộc đời của mẹ hạnh phúc hơn vì mẹ không còn nghĩ và sống cho chính mình nữa, nhưng tất cả cuộc sống của mẹ đã tập trung vào con. Khi con cười, mẹ thấy lòng mẹ thật vui; khi con ngã, mẹ cảm thấy xót xa. Niềm vui của con chính là niềm vui của mẹ; nỗi buồn của con cũng chính là nỗi buồn của mẹ. Con có biết sự khác biệt trong cuộc đời của mẹ trước và sau khi con bước vào thế nào không? Mẹ sẽ nói cho con nghe và con sẽ chỉ nghe được khi con nhìn mẹ về già với con tim rung động của một người con:
- Trước khi có con, mẹ thích ăn gì mẹ ăn. Nhưng sau khi có con mẹ chỉ ăn những gì con thích (và con bỏ thừa!).
- Trước khi có con, mẹ thích làm gì thì mẹ làm. Nhưng sau khi có con mẹ chỉ làm những gì cần thiết để mẹ luôn có giờ để chăm sóc con.
- Trước khi có con, mẹ thường hay la cà chỗ này chỗ kia, không về nhà ngay sau khi làm việc. Nhưng khi có con mẹ phải chạy thật nhanh về nhà để nhìn thấy con.
- Trước khi có con, vào những ngày nghỉ, mẹ thường hay đi những nơi nào mẹ thích. Nhưng sau khi có con mẹ không còn những ngày nghỉ đó nữ
- Trước khi có con, mẹ thường đi chơi với bạn bè vì họ quan trọng đối với mẹ. Nhưng sau khi có con mẹ chỉ muốn chơi với một mình con thôi vì con quan trọng nhất đối với mẹ.
“Mẹ đã thay đổi thật nhiều. Mẹ đã thay đổi tất cả vì “mẹ yêu con!”
Tình yêu của một người mẹ trần thế thật đẹp! Thật thanh cao! Nếu tình yêu của một người mẹ trần thế với những giới hạn và yếu đuối đã như thế, thì tình yêu của Người Mẹ trên trời còn cao đẹp hơn biết bao nhiêu. Phụng vụ và Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta về câu chuyện tình yêu của Người Mẹ trên trời. Một cách cụ thể, Tin Mừng kể về cuộc đối thoại mang tính quyết định lịch sử không chỉ của cuộc đời Mẹ Maria, nhưng còn cả lịch sử của nhân loại, của từng người trong chúng ta, những người con nhỏ bé của Mẹ. Đây là giây phút quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, không có tờ báo, hay kênh truyền hình, hoặc đài phát thanh nào đưa tin này như họ đã và đang làm với những danh nhân nổi tiếng trong thời đại của chúng ta. Mọi sự xảy ra trong sự thinh lặng đơn sơ của một ngôi làng bé nhỏ và nhất là sự thinh lặng của một tâm hồn sẵn sàng để Chúa bước vào đời mình. Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Chúng ta, những con người thời đại, phải thừa nhận rằng, trong đời sống thường ngày chúng ta cảm thấy rất khó để gặp gỡ Thiên Chúa. Điều này xảy ra là bởi vì chúng ta đang sống trong một xã hội thật ồn ào, náo nhiệt. Chúng ta thấy khi ra đường, ai trong chúng ta, nhất là các bạn trẻ, luôn gắn chặt “mắt” và “tai” vào điện thoại của mình. Chúng ta không để ý đến gì ngoài những “tiếng ồn” của nhạc, của những lo lắng cho việc ăn việc uống, của những chương trình du ngoạn và thú vui. Chúng ta không có thời gian để thinh lặng, để lắng nghe nhịp đập của con tim. Khi chúng ta không có sự thinh lặng để lắng nghe nhịp đập con tim, là thứ gần gũi mình nhất, thì làm sao chúng ta có thể nghe được nhịp đập của con tim người khác, và nhất là bước chân và nhịp đập con tim thật nhẹ của Chúa! Đây là điều đầu tiên chúng ta có thể học từ Mẹ Maria. Mẹ luôn sống trong “mầu nhiệm thinh lặng” của Thiên Chúa. Chính khi chìm đắm trong mầu nhiệm thinh lặng này, Mẹ đã lắng nghe và để cho Chúa làm cho Mẹ “như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Thật vậy, chỉ trong mầu nhiệm thinh lặng mà chúng ta có thể “cho phép” Chúa làm những điều Ngài muốn trong cuộc đời của chúng ta.
Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta “thảm cảnh” của nhân loại sau khi Adam và Eva ăn trái cây giữa vườn, cây biết thiện biết ác. Con người đã không còn có được mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và với nhau. Với Thiên Chúa, con người đã lẩn trốn: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn” (St 3:10). Con người nhận ra sự “trần truồng,” hay đúng hơn sự giới hạn của mình và như thế lẩn trốn khỏi Thiên Chúa. Họ lẩn trốn vì sợ hãi và vì xấu hổ. Đây chính là cảm thức của con người khi phạm tội. Cảm thức này vẫn hiện diện trong mỗi người chúng ta. Nói cách cụ thể, mỗi khi phạm tội, trong chúng ta có một cảm giác xấu hổ, không dám đối diện với Thiên Chúa. Chúng ta muốn trốn chạy khỏi Ngài. Nhưng chúng ta thấy, dù con người trốn chạy, Thiên Chúa vẫn gọi chúng ta: “Ngươi ở đâu?” và Ngài chờ đợi chúng ta trả lời từ trong chỗ ẩn nấp của mình. Sau khi phạm tội, đừng sợ việc trả lời Thiên Chúa khi Ngài gọi. Hãy trả lời cách nhanh chóng, để được Ngài chữa lành. Còn với tha nhân, con người đổ lỗi cho nhau và đổ lỗi cho hoàn cảnh để biện mình cho lỗi phạm của mình: “Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi: ‘Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?’ Con người thưa: ‘Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.’ Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: ‘Ngươi đã làm gì thế?’ Người đàn bà thưa: ‘Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn’” (St 3:11-14). Chúng ta vẫn sống kinh nghiệm này ngày hôm nay. Nhiều người chúng ta đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh về những thất bại của mình.
Tuy nhiên, trong thảm cảnh đó, chúng ta nhận ra tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài không bỏ rơi con người, nhưng hứa ban Đấng Cứu Thế. Tin Mừng đầu tiên được công bố: “Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: ‘Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó’” (St 3:14-15). Trong những lời này, chúng ta thấy Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người. Ngài đã có một kế hoạch để cứu chuộc con người bằng cách tiên báo sự chiến thắng trên mãnh lực của sự dữ. Là dòng giống của người “đàn bà,” chúng ta có chiến đấu để chiến thắng mãnh lực của con rắn không hay chúng ta đang làm nô lệ cho nó?
Thánh Phaolô trong bài đọc 2 chúc tụng Thiên Chúa vì những kỳ công Ngài thực hiện cho con người trong Đức Kitô. Như chúng ta đọc thấy trong bài đọc 1, sau khi con người phạm tội, con người lẩn trốn khỏi Thiên Chúa. Nhưng trong Đức Kitô, Thiên Chúa “đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1:4). Không những thế, “theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1:5-6). Những lời này cho chúng ta thấy nhân phẩm cao quý của mình, đó là chúng ta không chỉ trở nên tinh tuyền thánh thiện mà còn được làm nghĩa tử và nghĩa nữ của Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta hiểu được ý nghĩa của thánh lễ hôm nay, đó là trong ý định của Thiên Chúa, Ngài tiền định cho chúng ta làm con cái của Ngài nhờ Đức Kitô. Khi trở nên con cái, chúng ta được mời gọi sống một cuộc sống thánh thiện và tinh tuyền, không vương tỳ ố của tội lỗi. Mẹ Maria đã được ơn sủng Thiên Chúa bao bọc khi thụ thai, nên Mẹ luôn tinh tuyền thánh thiện trước mặt Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật biến cố truyền tin của thiên thần Gabriel cho Mẹ Maria. Chúng ta đã nghe và suy gẫm về đoạn Tin Mừng này nhiều lần, nên hôm nay chúng ta chỉ chọn một điểm quan trọng để nói lên ý nghĩa của thánh lễ hôm nay. Chi tiết đó chính là lời chào của Thiên Thần Gabriel: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1:28). Lời chào này làm cho Mẹ Maria phải bối rối và tự hỏi nó có ý nghĩa gì. Tại sao? Vì lời chào này đưa Mẹ về với toàn bộ lịch sử của dân Mẹ và nói lên ơn gọi của Mẹ, đó là được Thiên Chúa tuyển chọn. Khi Thiên Chúa chào mừng, ‘mừng vui lên,’ Mẹ tự hỏi: Làm sao Mẹ có thể vui được vì dân của Mẹ đang sống trong cảnh bị áp bức? Làm sao một cô gái ‘bình thường’ như Mẹ lại được Thiên Chúa để mắt đến và ban đầy ân sủng? Làm sao Mẹ có được diễm phúc ‘Đức Chúa ở cùng?’ Đây là những điều làm cho mẹ bối rối và tự hỏi. Tuy nhiên, chi tiết đáng lưu ý nhất trong lời chào này là: “hỡi Đấng đầy ân sủng.” Đây chính là nền tảng Kinh Thánh của tín điều Mẹ Vô Nhiễm mà chúng ta mừng kính trọng thể hôm nay. Vì Mẹ được “đầy ân sủng,” nên Mẹ không bị một tì ố của tội lỗi nào. Giáo Hội đã dạy về điều này như sau: “Suốt dọc chiều dài lịch sử, Hội Thánh đã nhận thức rằng Đức Maria, vì được Thiên Chúa ban cho ‘đầy ơn phúc’ (Lc 1:28), nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai” (GLGHC, 491). Chính vì ‘đầy ân phúc,’ nên Mẹ đã được nâng đỡ để hoàn toàn tự do đáp lại lời mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu độ của Ngài: “Để làm Mẹ Đấng Cứu thế, Đức Maria ‘đã được Chúa ban cho nhiều ơn xứng với nhiệm vụ cao cả ấy’ (x. LG, 56). Lúc truyền tin, thiên sứ Gáprien đã chào Mẹ ‘là đấng đầy ơn phúc’ (x. Lc l:28). Thật vậy, Mẹ cần được ân sủng Chúa nâng đỡ để có thể hoàn toàn tự do trong đức tin mà đáp lại lời loan báo ơn gọi của Người” (GLGHC, 490). Chi tiết nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Chúng ta biết ơn Chúa luôn đủ cho chúng ta (x. 2 Cr 12:9). Nhưng nhiều khi chúng ta không để cho ơn Chúa lấp đầy cuộc sống mình, nên chúng ta vẫn nuông chiều theo tội. Giống như một ly nước, khi nước đã đầy đến miệng thì không thể đổ thêm gì vào được. Cuộc sống chúng ta cũng thế, nếu tràn đầy ân sủng của Chúa thì không còn chỗ cho tội lỗi. Hãy làm trống những nơi ơn sủng Chúa chưa đổ đầy và xin Chúa đổ đầy những nơi đó với tình yêu của Ngài để chúng ta có thể trở nên như Mẹ, sống một đời sống thánh thiện tinh tuyền trước nhan thánh Chúa.
Lm. An-tôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ