Lm. Micae Nguyễn Khắc Minh
WHĐ (11.11.2023) – Ngày Thế giới Người nghèo năm nay được tổ chức vào ngày Chúa Nhật 19.11.2023 với chủ đề: “Đừng ngoảnh mặt làm ngơ với bất cứ người nghèo khổ nào” (Tb 4,7). Đây là dịp tốt để chúng ta cùng nhau tìm hiểu, suy tư và gợi lên vài thực hành cụ thể trong ngày này.
I. Lịch sử và mục đích Ngày Thế giới Người nghèo
Ngày Thế giới Người nghèo là sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô. Lần đầu tiên được cử hành vào ngày 19 tháng 11 năm 2017. Ngài ấn định cử hành hằng năm vào Chúa nhật thứ 33 mùa Thường niên. Qua ngày này, tất cả cộng đoàn Kitô hữu được mời gọi đưa tay ra với người nghèo, người yếu thế, những người nam nữ bị chà đạp nhân phẩm. Ngày Thế giới Người nghèo bắt đầu ngay sau cuộc gặp gỡ người nghèo của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Năm Thánh Lòng Thương xót. Cũng tại cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đã công khai xin lỗi họ, Ngài nói: “Tôi xin lỗi cho tất cả những lần mà các Kitô hữu, khi đứng trước của một người nghèo hoặc khi một người nghèo gần gũi, họ quay đi chỗ khác. Tôi xin lỗi.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Ngày Thế giới Người nghèo như một lời kêu gọi phục vụ tốt hơn cho người nghèo và nâng cao nhận thức về những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngày này cũng là dịp nhắc nhở mọi người biết giúp đỡ những người thiệt thòi và nghèo khó. Đây cũng là một ngày để truyền bá nhu cầu nhận thức nhiều hơn về người nghèo trên toàn thế giới, và khuyến khích mọi người hành động nhiều hơn trong việc phục vụ họ.
Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa của việc cử hành này trong mối tương quan với chu kỳ phụng vụ và với các mầu nhiệm Chúa Kitô: “Đây là cách tốt nhất để chuẩn bị cho ngày lễ trọng kính Chúa Giêsu Kitô, Chúa của chúng ta là Vua vũ trụ, Đấng đã tự đồng hóa mình nơi những người bé nhỏ và nghèo khổ và là Đấng sẽ phán xử chúng ta bằng những việc làm của lòng xót thương” (xem. Mt 25, 31-46). Ngài cũng giải thích các mục tiêu của Ngày Người Nghèo cho các cộng đoàn Công giáo: “Đây là dịp giúp các cộng đoàn những người đã chịu phép rửa suy tư về cách thức mà người nghèo trở thành trọng tâm của Tin mừng, và thực tế là, bao lâu còn Lazaro nằm trước cửa nhà chúng ta (x. Lc 16,19-21) thì không thể có công bằng hay bình an xã hội”.
Đấng kế vị thánh Phêrô cũng cho biết thêm: đây cũng là ngày nói về việc Tân Phúc Âm Hóa. Ngày này cũng được thiết lập như một thể thức chính thức của việc Tân Phúc Âm Hóa (Mt 11,5), nhờ đó khuôn mặt của Giáo hội được đổi mới trong hành động liên tục của việc hoán cải mục vụ để trở thành chứng nhân cho lòng thương xót.
II. CÁC CHỦ ĐỀ NGÀY THẾ GIỚI VÌ NGƯỜI NGHÈO CỦA CÁC NĂM TRƯỚC
1) Lần I (19/11/2017): “Đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng bằng việc làm!” (x. 1Ga 3,18)
Đức Thánh Cha suy tư thư Thánh Gioan: “Hỡi các con, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và trong sự thật” (1 Ga 3,18), và mời gọi mọi người chúng ta không nói thương yêu trên lý thuyết, nhưng phải có những hành động cụ thể giúp đỡ người nghèo. Giáo hội không được lãng quên nhưng phải nghe tiếng kêu của người nghèo như Chúa sẽ lắng nghe họ (Tv 34,6)
2) Lần II (18/11/2018): “Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhậm lời” (Tv 34,7)
Đức Thánh Cha mời gọi toàn thể Giáo hội cử hành Ngày Thế giới Người nghèo lần II này trong niềm vui tìm lại khả năng ở cùng nhau và ngài mời gọi các giáo sĩ, tu sĩ xem ngày này như một cơ hội tái truyền giảng Tin Mừng.
Trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy nghiêm túc xét mình xem mình có thực sự lắng nghe người nghèo hay không… Trong chiều hướng này, “Thế giới Người nghèo muốn là một câu trả lời từ toàn Giáo hội, rải rác khắp nơi trên thế giới, câu trả lời bé nhỏ cho những người nghèo thuộc mọi loại và mọi nơi, để họ khỏi nghĩ rằng tiếng kêu của họ rơi vào khoảng trống. Có lẽ câu trả lời của Giáo hội chỉ là một giọt nước trong sa mạc nghèo khổ, nhưng câu trả lời ấy có thể là một dấu chỉ sự chia sẻ đối với những người đang ở trong tình trạng túng thiếu, để họ cảm thấy sự hiện diện tích cực của một người anh chị em”.
3) Lần III (17/11/2019): “Những người túng thiếu không mãi bị bỏ quên, người nghèo khó chẳng tuyệt vọng bao giờ” (Tv 9,19)
Đức Thánh Cha đã nhắc đến sự kiện tác giả thánh vịnh nhiều lần mô tả thân phận đau thương của người nghèo và sự kiêu hãnh của những người áp bức họ (Xc vv.22-31). Người nghèo kêu cầu sự phán xét của Thiên Chúa để công lý được phục hồi và sự gian ác bị khuất phục (vv.35-36)
Đức Thánh Cha nhận xét rằng dù có những thảm cảnh đau khổ của người nghèo, tác giả thánh vịnh trình bày một định nghĩa thật đẹp về người nghèo. ”Người nghèo là người tín thác nơi Chúa” (v.11), vì họ tin chắc mình sẽ không bao giờ bị bỏ rơi.
4) Lần IV (15/11/2020): “Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó” (Hc 7,32)
Đức Thánh Cha nói: Cầu nguyện và giúp đỡ người nghèo là hai điều không thể tách biệt nhau. Ngài mời gọi mọi người không dửng dưng với người bên cạnh. Đức Thánh Cha nói: “Cầu nguyện với Thiên Chúa và liên đới với người nghèo và người đau khổ không thể tách rời nhau.” Người nghèo giúp chúng ta chào đón Chúa Kitô vì Người hiện diện nơi người nghèo. Điều này đặt ra câu hỏi với chúng ta: “Làm thế nào chúng ta có thể giúp loại bỏ hoặc ít nhất là làm giảm bớt sự thiệt thòi và đau khổ của họ? Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ trong nhu cầu tâm linh của họ?” Giáo hội phải đi đầu, luôn luôn và ở mọi nơi, trong việc bảo vệ và chia sẻ với họ. Giáo hội chắc chắn không có giải pháp toàn diện để đề nghị, nhưng nhờ ân sủng của Chúa Kitô, Giáo hội có thể đưa ra chứng tá và cử chỉ bác ái của mình.
5) Lần V (14/11/2021): “Người nghèo thì lúc nào anh em chẳng có bên cạnh mình” (Mc 14,7).
Trong Ngày Thế giới Người nghèo lần V, Đức Thánh Cha “kêu gọi các tín hữu chú ý nhìn vào Chúa Giêsu để khám phá ra rằng nơi Người và trong lời của Người, chúng ta không chỉ tìm thấy ý nghĩa thực sự của nghèo khó, mà trên hết là khả năng nhận ra người nghèo.”
Đức Thánh Cha mạnh mẽ khẳng định: “Những ai không nhận ra người nghèo là phản bội giáo huấn của Chúa Giêsu và không thể là môn đệ của Chúa.” “Người nghèo ở trung tâm hành trình của Giáo hội.”
6) Lần VI (13/11/2022): “Chúa Giêsu Kitô đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em” (2Cr 8,9)
Với những lời này, Thánh Phaolô đặt nền tảng cho sự dấn thân liên đới của các tín hữu đầu tiên ở Côrintô với những anh chị em túng thiếu. Chủ đề này mời gọi chúng ta suy tư về lời thánh tông đồ Phaolô kêu gọi hãy chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8, 9). Trong chuyến viếng thăm Giêrusalem, Phaolô đã gặp Phêrô, Giacôbê và Gioan, những người đã xin ngài đừng quên những người nghèo. Thực tế, cộng đoàn Giêrusalem đang gặp khó khăn nghiêm trọng do nạn đói hoành hành trên đất nước này. Và ngay lập tức thánh Tông đồ đã quan tâm đến việc tổ chức một cuộc lạc quyên lớn để giúp đỡ những người nghèo. Các Kitô hữu ở Côrintô đã tỏ ra rất nhạy bén và sẵn sàng.
III. Người nghèo theo Bản báo cáo của Thượng Hội đồng Giám mục (ngày 28.10.2023)
Bản báo cáo dành một chỗ rộng lớn cho người nghèo, những người yêu cầu Giáo hội một “tình yêu” được hiểu là “tôn trọng, chấp nhận và công nhận” (4 a).
“Đối với Giáo hội, sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo và những người bị bỏ lại phía sau là một phạm trù thần học trước khi là một phạm trù văn hóa, xã hội học, chính trị hoặc triết học” (4 b), văn kiện nhắc lại và đồng thời cũng xác định người nghèo là người di cư, người bản địa, nạn nhân của bạo lực, của lạm dụng (đặc biệt là phụ nữ), phân biệt chủng tộc và của nạn buôn người, người nghiện ngập, người thiểu số, người già bị bỏ rơi, công nhân bị bóc lột (4 c).
“Những người dễ bị tổn thương nhất trong số những người dễ bị tổn thương, những người cần được bênh vực liên lỉ, là những đứa trẻ trong bụng mẹ”, văn kiện nói tiếp và đồng thời cho biết “ý thức được tiếng kêu của những người nghèo mới” do chiến tranh và khủng bố, cũng như “các hệ thống chính trị và kinh tế tham nhũng”.
IV. Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Người nghèo năm 2023
Năm nay, chủ đề là “Đừng ngoảnh mặt làm ngơ với bất cứ người nghèo khổ nào” (Tb 4,7). Đừng ngoảnh mặt làm ngơ khi chúng ta gặp một người nghèo xung quanh chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: trong hẻm nhỏ, nơi đồng quê… bởi vì đức tin dạy chúng ta rằng mỗi người nghèo đều là con cái Thiên Chúa và Chúa Kitô hiện diện trong họ. “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25, 40). Trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới vì Người nghèo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về mẫu gương của Tôbít. Ngài để ý cách mà Sách Tobia dạy chúng ta cần phải thể hiện và thực hành trong bất cứ điều gì chúng ta làm với và cho người nghèo. Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục chúng ta hãy là những người Samaritanô tốt lành, trở thành ánh sáng mang lại niềm vui không chỉ cho những người thân yêu nhất đối với chúng ta, mà còn cho tất cả mọi người, không ngoại lệ, đặc biệt cho những người nghèo, không có đặc quyền, không có tiếng nói, bị bỏ rơi, người di cư và tị nạn, nạn nhân chiến tranh, v.v…
Trong sách Tobia ta bắt gặp hình ảnh một người tốt lành tin vào Chúa và làm việc thiện. “Tôi là Tôbít, tôi đã từng ăn ở theo sự thật và lẽ ngay suốt mọi ngày đời tôi. Tôi cũng đã từng rộng tay bố thí cho anh em và đồng bào tôi, những người cùng đi đày với tôi qua Ninivê, ở xứ Átsua” (Tb 1, 3). Sách Tobia là một câu chuyện nổi bật về người di cư và việc bố thí. Tôbít, người đứng đầu một gia đình Israel lưu vong, kiên định tuân theo đường lối và luật pháp của Thiên Chúa ở một vùng đất xa lạ. Những hành động bác ái của ông đối với những người bạn lưu vong, bao gồm cả việc chôn cất thi thể của những người bị áp bức hành quyết, khiến ông gặp nguy hiểm lớn. Trong quá trình thực hiện những hành động tử tế này, ông bị mất thị lực một cách bi thảm, và gia đình ông rơi vào cảnh nghèo đói. Con trai của ông, Tobia, được sai đi trên một cuộc hành trình đến một vùng đất xa lạ khác để lấy lại một số tài sản của gia đình và chạm trán với các thế lực ma quỷ đang hành hạ một gia đình Israel sùng đạo khác. Cuối cùng, sự can thiệp thiêng liêng của tổng lãnh thiên thần Raphael đã chiến thắng những thế lực độc ác này; Ông Tobit được khôi phục lại thị lực trong khi hòa bình và thịnh vượng trở lại với gia đình. Câu chuyện về ông Tobit không chỉ đơn thuần là một câu chuyện giải trí với một kết thúc có hậu. Thay vào đó, nó truyền đạt một bài học thần học và luân lý sâu sắc được gói gọn trong lời khuyên của Tobit cho con trai mình: “Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ” (Tb 4, 7). Tobit đã sống theo nguyên tắc này, và nó đã mang lại kết quả cho ông, gia đình và người dân của ông. Lòng trắc ẩn và sự giúp đỡ mở rộng đến những người kém may mắn hơn mời gọi sự can thiệp của Thiên Chúa vào thế giới con người trên bình diện cá nhân và cộng đồng. Thế giới đương đại đầy rắc rối của chúng ta phải vật lộn với những phiền não gợi nhớ đến những thách thức của Tobit, đặc biệt ảnh hưởng đến những người nghèo khổ và những người di cư. Các hành động bác ái có thể mang lại sự chữa lành và phục hồi, ngay cả trong những hoàn cảnh thảm khốc nhất. Sứ điệp Kinh Thánh về câu chuyện của Tobit vang vọng trong thời đại chúng ta, khẳng định rằng chúng ta có phương tiện để giảm bớt đau khổ thông qua các hành động bác ái.[1]
V. Gợi ý vài việc làm trong Ngày Thế giới Người nghèo năm nay (Chúa nhật 19.11.2023)
Trong ngày này, Vatican sẽ tổ chức 4 việc làm cho người nghèo: Thánh Lễ, Bữa ăn trưa, chi trả hóa đơn, và cam kết sống nghèo khó và phục vụ người nghèo.[2]
Các cộng đoàn và giáo xứ cũng được khuyến khích làm các việc tương tự.
1. Tổ chức bữa ăn
Vào ngày Chúa Nhật 12.11 này chúng ta có thể phát thiệp mời cho bà con nghèo đến giáo xứ ăn bữa trưa. In thiệp đẹp và trân trọng. Trên thiệp có ghi tên cụ thể chính xác trang trọng tên người nghèo chúng ta mời. Trên thiệp có cũng nên ghi một câu Kinh Thánh để nhấn mạnh thêm khía cạnh truyền giáo. Ví dụ: Ta đến để chiên được sống dồi dào (Ga 10,10) Anh em sum họp một nhà, bao là tốt đẹp bao là sướng vui (Tv 133)…..
Thiệp này được gởi cho Hội đồng Giáo xứ hoặc các khu đem đến tận nơi nhà người nghèo.
Đón tiếp chu đáo, có ban hướng dẫn, tiếp tân, vui vẻ niềm nở.
Trước khi ăn nên có thời gian thăm hỏi giao lưu. Có bài nói chuyện ngắn, ý nghĩa nâng cao và quan tâm người nghèo. Và cũng dành thời gian và mời họ phát biểu, lắng nghe tâm tư của họ. Có thể có vài tiết mục văn nghệ.
2. Tổ chức Thánh Lễ
Mời họ tham gia Thánh Lễ, cũng cần phải hướng ý và giải thích ý nghĩa các cử chỉ, hoạt động trong thánh lễ trước. Cũng nên mời người có đạo ngồi kế bên họ… Trong Thánh Lễ có thể cầu nguyện cho ông bà tổ tiên của họ đã qua đời… Có thể có những lời cầu nguyện đặc biệt cho họ. Có thể mời họ viết ra những ý cầu xin và cầu cho họ… Làm sao để họ thấy họ được trân trọng quý mến và phục vụ đáp ứng nhu cầu của họ…
3. Quà tặng
Nếu được gửi chút quà tặng cho họ đem về. Quà tặng này phải có ý nghĩa truyền giáo hoặc ý nghĩa giáo dục nhân văn… ví dụ có hình Chúa, sách dạy nhân bản hay sách nhỏ hỏi thưa…
4. Tổ chức khám bệnh phát thuốc
Có thể tổ chức khám bệnh phát thuốc miễn phí trong ngày này. Có thể thực hiện trước bữa ăn.
5. Chầu Thánh Thể để cầu nguyện cho người nghèo và những người phục vụ người nghèo
Cũng có thể tổ chức buổi chầu Thánh Thể tối hôm trước cho những người tình nguyện đang phục vụ người nghèo ở khắp nơi trên thế giới…
6. Tổ chức đi thăm viếng
Tổ chức nấu ăn, phát cơm, phát cháo cho các bệnh nhân bệnh viện, các nhà mồ côi, hưu dưỡng…
7. Cam kết sống nghèo
Có thể làm phiếu đẹp với hình ảnh Chúa và người nghèo… Ghi vài điều Đức Thánh Cha dặn trong sứ điệp, rồi câu cuối ghi : “Con tên là:…..thuộc giáo xứ, cộng đoàn…. Con mong được sống phó thác vào Chúa và đơn sơ khó nghèo để phục vụ Chúa và anh chị em” . Phiếu này được phát cho bà con giáo dân, ai muốn sống nghèo như Đức Thánh Cha mời gọi thì nhận phiếu và điền tên mình vô rồi đem về nhà thực hiện như một quyết tâm.
Xin Chúa giúp đỡ chúng ta!
Cần Thơ, ngày 11.11.2023
Tin cùng chuyên mục:
Biết ơn trường đời
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết