Hòa giải: Con đường tiến đến hiệp thông

175 lượt xem 7 Tháng Ba, 2018
Hoà giải: con đường tiến đến hiệp thông
Bài giảng của Đức cha Giuse Nguyễn Năng
trong Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô ngày 03/03/2018
(Lời Chúa ngày thứ Bảy tuần II Mùa Chay:
Mk 7, 14-15.18-20 ; Lc 15, 1-3.11-32)

Thánh Phêrô đã được Chúa Giêsu trao phó nhiệm vụ Mục tử hữu hình tối cao của Hội Thánh. Ngài đã chịu tử đạo tại Rôma, vì thế, Đức Thánh Cha, trong tư cách là Giám mục Rôma, người kế vị thánh Phêrô, cũng là Mục tử của Hội Thánh hoàn vũ. Khi đến Rôma, tất cả các tín hữu Công giáo đều cảm nhận rất rõ sự hiệp thông với Đức Thánh Cha và Hội Thánh toàn cầu. Chính trong ý thức về sự hiệp thông đó mà hôm nay anh chị em quy tụ bên Hội đồng Giám mục Việt Nam dâng thánh lễ tại đây, nơi phần mộ của thánh Phêrô.

Sự hiệp thông không phải chỉ là một tình cảm mông lung, nhưng là những tương quan cụ thể, với Chúa, với Hội Thánh và với tha nhân. Sự hiệp thông trước hết là ân huệ của Chúa Thánh Thần, nhưng đó còn là một lối sống, một lối suy nghĩ, một sự chọn lựa, được thực hiện bằng nỗ lực của mỗi người.

1. Câu chuyện của sự trở về

Dụ ngôn người cha nhân hậu là một trong những trang Tin Mừng đẹp nhất diễn tả lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Chắc chắn mỗi người, không nhiều thì ít, đều nhận ra mình là người con thứ đã từ khước tình thương của Cha để sống theo ý riêng mình. Khi bỏ Nhà Cha ra đi, con người tưởng mình được tự do và hạnh phúc, nhưng thực ra lại là chuốc lấy đau thương tủi nhục vì mất tất cả: mất tình thương và sự sống của Cha, mất tình nghĩa anh em, thậm chí đánh mất chính phẩm giá cao cả của con người khi thèm thuồng thức ăn của loài heo.

Đứa con thì ích kỷ và từ chối tình thương, nhưng người cha lại vẫn một lòng thương xót. Ông vẫn kiên nhẫn đợi chờ và mong mỏi từng ngày. Khi đứa con đi hoang trở về, người cha đã cho con mặc áo mới, đi giày mới, đeo nhẫn, và mở tiệc ăn mừng. Ở đâu mà có áo mới, giày mới, nhẫn đẹp, chiên béo, nếu không phải là người cha đã tha thứ trước cả khi đứa con nói lên lời thú tội, hơn nữa còn hy vọng một ngày nào đó con mình sẽ trở về, nên ông mới chuẩn bị may áo, mua giày, mua nhẫn và vỗ béo cho con chiên chờ ngày con mình quay gót về nhà.

“Chúa là Đấng chịu đựng lỗi lầm, không giữ mãi cơn giận. Ngài sẽ lại thương xót chúng ta. Mọi lỗi lầm chúng ta, Ngài ném xuống đáy biển” (Bài đọc 1).

Chúa Giêsu mời gọi mỗi người trở về hoà giải với Chúa Cha. Đó là bước đi tiên quyết trên con đường tiến tới hiệp thông. Chỉ khi nào hoà giải với Thiên Chúa, con người mới được hiệp thông với Ngài và được dự phần sự sống và hạnh phúc của Ngài.

Không phải chỉ có người con thứ mới phải hoà giải, mà chính người con cả cũng cần hoà giải với cha và người em. Người con cả không bỏ nhà cha ra đi, nhưng thực ra lại là người đã đi hoang trong tâm hồn. Người con cả chu toàn bổn phận không phải vì yêu mến cha nhưng vì mong một phần thưởng. Anh ở lại trong nhà cha nhưng lại không chia sẻ ưu tư với nỗi đau buồn của người cha đang mất một người con là chính em của anh. Trong khi người cha mong người con đi hoang trở về, anh ta lại không mong, thậm chí còn bực bội và không vui khi thấy em về.

Sở dĩ Chúa Giêsu kể dụ ngôn người cha nhân hậu này là vì các biệt phái và kinh sư lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với họ”. Biệt phái và kinh sư có sự “công chính theo lề luật” nhưng lại thiếu một tấm lòng: tấm lòng với cha và với em. Nếu người con thứ đi hoang cần phải trở về hoà giải với cha, thì người con cả công chính đạo đức lại cần tới hai cuộc trở về: trở về hoà giải với cha và hoà giải với em.

Người con cả không vào nhà, nên người cha bỏ dở bữa tiệc ra ngoài tìm anh. Không biết người con cả có vào nhà chăng. Dụ ngôn bỏ lửng câu chuyện, không có kết luận. Nếu anh ta không vào, chuyện gì sẽ xảy ra? Người con thứ có vui trong gia đình hay sẽ lại quay gót ra đi? Nếu là người con cả, tôi có vào nhà không? Nếu là người con thứ, tôi sẽ phản ứng thế nào? Thánh Luca bỏ dở câu chuyện để mỗi người viết tiếp phần kết sao cho có hậu.

2. Kiến tạo sự hiệp thông trong Hội Thánh

Câu chuyện của sự trở về gợi lên những nguyên tắc để kiến tạo sự hiệp thông trong Hội Thánh. Cộng đoàn phụng vụ hiện diện nơi đây gồm đủ tất cả mọi thành phần Dân Chúa là biểu tượng cho Hội Thánh tại Việt Nam. Chúng ta ở đây bên mộ thánh Phêrô, đó cũng chính là biểu tượng cho sự hiệp thông của Hội Thánh địa phương với Hội Thánh hoàn vũ, một cách cụ thể với Đức Thánh Cha là dấu chỉ và là nguyên lý hữu hình của sự hiệp nhất trong toàn thể Hội Thánh.

Con đường của sự hiệp thông Hội Thánh trước hết cũng phải bắt đầu bằng sự trở về với Đức Kitô và Tin Mừng. Nếu không xây dựng trên nền tảng siêu nhiên này, sự hiệp thông Hội Thánh chỉ là hời hợt lỏng lẻo và có nguy cơ dễ đổ vỡ. Hội Thánh không phải là một tổ chức tôn giáo theo kiểu một tập thể xã hội loài người, nhưng là Dân của Thiên Chúa và là Thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Tách rời khỏi Đức Kitô, Hội Thánh chỉ còn là một tổng công ty nhân đạo quốc tế hay một tổ chức chính trị. Hội Thánh sống bằng sự sống của Đức Kitô, tùy thuộc vào Đức Kitô, vâng phục Đức Kitô. Hội Thánh không đi theo đường lối của thế gian nhưng theo đường lối của Tin Mừng, không hành động theo kiểu thế gian nhưng cậy dựa vào sức mạnh của Thần Khí và sử dụng các phương thế của Tám Mối Phúc Thật. Như dân Do Thái bước đi giữa lòng lịch sử, đôi khi Hội Thánh cũng bị cám dỗ trở nên như các dân khác. Tuy nhiên chính Tin Mừng mới là mẫu mực quy phạm và là tiêu chuẩn xét xử mọi hoạt động của Hội Thánh.

Để có sự hiệp thông Hội Thánh, các môn đệ của Đức Kitô cũng cần đón nhận nhau và hoà giải với nhau. Người con cả tự hào là công chính không thể chấp nhận đứa em hoang đàng trở về nhà cha. Cũng thế, các kinh sư và biệt phái không thể chấp nhận được việc Chúa Giêsu đón tiếp và đồng bàn với người thu thuế và tội lỗi. Hội Thánh của Đức Kitô không thể có thái độ loại trừ như thế. Hội Thánh tự bản chất là thánh thiện nhưng lại bao gồm cả người công chính lẫn tội nhân. Sự thánh thiện đích thực đòi Hội Thánh đón tiếp tất cả mọi người. Thánh thiện không có nghĩa là tự đặt mình làm quan toà xét xử, nhưng là tình yêu cứu thế, là khả năng chịu đựng, nâng đỡ gánh vác nhau, tha thứ và đón nhận nhau. Niềm mơ ước một thế giới toàn vẹn đôi khi có thể làm cho con người trở thành nhẫn tâm và cứng cỏi với người khác, thậm chí kết án và loại trừ nhau. Để duy trì và làm tăng trưởng sự hiệp thông, các môn đệ của Đức Kitô phải là những người khiêm tốn biết chấp nhận mọi giới hạn của nhau và vượt qua mọi dị biệt để chung sống hài hoà hạnh phúc trong gia đình của Thiên Chúa.

3. Lên đường đến với muôn dân

Trong thời Giáo hội sơ khai, dụ ngôn người cha nhân hậu còn được đọc trong viễn tượng của sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Người con thứ tượng trưng cho dân ngoại, còn người con cả chính là dân Israel. Việc người con thứ đi hoang không được con cả chấp nhận trở về gia đình gợi lên khó khăn của buổi ban đầu trong công cuộc truyền giáo. Các Kitô hữu lúc đó còn ngần ngại chưa đến với dân ngoại, hơn nữa, còn muốn bắt lương dân khi vào Hội Thánh phải giữ luật Do Thái. Về vấn đề này, hôm nay bên phần mộ thánh Phêrô, xin ngài dạy chúng ta kinh nghiệm của ngài.

Cũng như các Tông đồ khác, lúc đầu thánh Phêrô chỉ nghĩ tới việc loan báo Tin Mừng cho dân Do Thái. Nhưng sau đó, trong một thị kiến, ngài thấy tấm khăn lớn đựng các thú vật mà người Do Thái cho là không thanh sạch, và ngài nghe tiếng nói “Hãy giết mà ăn”. Lúc đó ngài chẳng hiểu gì. Nhưng một sự việc xảy đến đã giúp thánh Phêrô hiểu thị kiến. Một đàng Chúa sai thiên thần đến giục ông Cornêliô là một sĩ quan Rôma sai người đi tìm thánh Phêrô. Đang khi đó thánh Phêrô cũng được Chúa Thánh Thần thúc giục đến nhà ông Cornêliô để rao giảng và rửa tội cho gia đình ông (x. Cv 10).

Từ kinh nghiệm đó, sau này thánh Phêrô mạnh mẽ tuyên bố tại Công đồng Giêrusalem: “Thiên Chúa không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ… Vậy tại sao bây giờ anh em còn quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không mang nổi ?” (Cv 15, 9-10). Nhờ lòng nhiệt thành cùng với tầm nhìn cởi mở ấy, công cuộc loan báo Tin Mừng đã phát triển nhanh chóng.

Bên phần mộ của thánh Phêrô, từ dụ ngôn trong bài Tin Mừng, một lần nữa lệnh truyền loan báo Tin Mừng “ad gentes” lại vang lên mãnh liệt cho Hội Thánh Việt Nam. Trong bối cảnh của thế giới hôm nay, công cuộc loan báo Tin Mừng xem ra khó khăn: vì bách hại cấm cách, vì văn hoá hiện đại dửng dưng với tôn giáo, hay vì có người coi việc theo Chúa như là hành động phản lại dân tộc và văn hoá, hoặc vì lối sống hưởng thụ và chạy theo tiền bạc…

Người ta thường nghĩ rằng hoàn cảnh thời nay khó truyền giáo hơn ngày xưa. Thực ra mỗi thời có khó khăn của nó, dưới hình thức này hay hình thức khác. Ngay từ giai đoạn đầu của lịch sử Hội Thánh, hoàn cảnh của các Kitô hữu sống trong đế quốc Rôma cũng không hề dễ dàng thuận lợi. Đó là một thế giới xa lạ và thù nghịch với Tin Mừng. Đi theo Đức Kitô là lội ngược dòng và có nguy cơ đến tính mạng, nhưng công cuộc loan báo Tin Mừng rất hăng say và đạt hiệu quả.

Mỗi thời đều có những khó khăn riêng, mỗi giai đoạn đều có thể được coi là khủng hoảng, nhưng từ những tình huống cụ thể, Chúa Thánh Thần dẫn dắt Hội Thánh tiến lên và làm chứng cho Đức Kitô trong bối cảnh lịch sử đương thời. Những khó khăn không phải là những cản trở cho bằng là những lời mời gọi trong một giai đoạn mới.

Chúa Thánh Thần là tác nhân chủ yếu của công cuộc loan báo Tin Mừng. Một đàng Ngài thúc đẩy tâm hồn những người tông đồ, đàng khác Ngài âm thầm chuẩn bị mảnh đất tốt nơi tâm hồn người chưa biết Chúa. Trở ngại lớn nhất trong công cuộc loan báo Tin Mừng không phải là những khó khăn bên ngoài, nhưng là tình trạng các môn đệ của Đức Kitô an phận khép kín trong một mục vụ bảo tồn dành cho những người công chính và đạo đức, chưa thao thức “đi ra” đến những người còn ở xa. Trở ngại lớn nhất là tình trạng thiếu lửa trong Hội Thánh, thiếu nhiệt tình và niềm vui Tin Mừng, thậm chí đánh mất chính Tin Mừng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đừng nói rằng thời nay khó hơn, nó chỉ khác thôi. Hãy học nơi các thánh là những người đi trước đã đối diện với khó khăn trong thời của họ thế nào”. “Họ là những người tràn trề niềm vui, can đảm không mỏi mệt và nhiệt tình trong việc rao giảng Tin Mừng.” (NVTM s. 263)

Đến với Rôma là trở về trung tâm của Hội Thánh, không chỉ như một không gian địa lý nhưng còn như một cuộc trở về nguồn là chính trái tim kích hoạt sự sống của toàn thể Hội Thánh tại Việt Nam. Một cuộc trở về nguồn lúc nào cũng chất chứa niềm hy vọng cho một tương lai tươi sáng. 

Gm Giuse Nguyễn Năng
Các bài mới