HIỆP HÀNH CÙNG NGƯỜI TRẺ TRONG NGHỀ NGHIỆP
Lm. Gioan Lê Quang Việt
WHĐ(03.8.2022) – “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16)
3. LOAN BÁO TIN MỪNG QUA NGHỀ NGHIỆP CHO NGƯỜI TRẺ 4. LOAN BÁO TIN MỪNG QUA NGHỀ NGHIỆP VỚI NGƯỜI TRẺ 5. PHÂN ĐỊNH TRONG NGHỀ NGHIỆP
|
NGHỀ NGHIỆP VÀ ƠN GỌI
1. Ý NGHĨA CỦA NGHỀ NGHIỆP
Trong Docat có một câu chuyện được viết lại như sau:
Một du khách đi ngang qua một công trình, nơi có một nhóm thợ trẻ đang làm việc, mỗi người đẽo gọt một khối đá. Du khách tò mò hỏi các người thợ trẻ xem họ đục đá để làm gì. Người thứ nhất trả lời: “Tôi đục tảng đá này để kiếm tiền”. Người thứ hai nói: “Tôi đang cố gắng đẽo gọt khối đá này cho nhẵn nhụi và có đường nét để tạo hình vòm cửa sổ theo kiến trúc Gothic”. Người thứ ba trả lời: “Tôi đang xây dựng một ngôi nhà thờ để chúng tôi tìm nhận năng lượng mà sống yêu thương mỗi ngày”.
Câu chuyện cho thấy rằng khi cùng làm một việc, mỗi người vẫn có thể suy nghĩ khác nhau về ý nghĩa công việc họ đang làm. Người trẻ thứ nhất chỉ muốn làm theo yêu cầu mong sao được nhận tiền công, không cần biết thành phẩm sau này để làm gì. Người thợ trẻ thứ hai trả lời sâu sắc hơn vì đề cập đến chất lượng của thành phẩm tạo nên nét đẹp cho một công trình, và am hiểu cả tính chất của công trình Gothic nữa. Còn người thứ ba, không những anh đã thấy ý nghĩa của công việc làm là để xây dựng nhà thờ, mà còn tìm thấy niềm vui trong công việc là tình thương, là ơn Chúa ban cho những ai đến nhà thờ sau này. Ngay lúc đang đẽo gọt và trả lời, trong anh đã toát ra một niềm vui khác ngoài việc kiếm tiền. Niềm vui này lan tỏa sang người lữ khách xa lạ và nâng cao lòng người. Niềm vui này góp phần làm cho đường nét đẽo gọt của anh tinh tế hơn, anh đã… “thổi hồn” cho đá.
Không phải chỉ có việc đẽo gọt đá, mà mọi công việc trên đời đều mang những ý nghĩa sâu xa. Khi yêu mến và tận tâm trong công việc, mỗi người góp phần vào việc xây dựng xã hội tốt đẹp và làm vinh danh Chúa. Lắng nghe và đối thoại với người trẻ trong nghề nghiệp là hiệp hành với người trẻ trong những nhu cầu căn bản, qua đó mời gọi họ tham gia và lãnh nhận sứ vụ xây dựng Giáo hội của Chúa Kitô.
1.1 Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói nhiều về nghề nghiệp trong Tông huấn Christus vivit. “‘Bạn làm gì để kiếm sống?’ là chủ đề thường gặp trong các cuộc nói chuyện, bởi vì việc làm là một phần chính yếu trong đời sống của người trẻ. Với người trẻ, trải nghiệm này rất linh hoạt vì họ chuyển từ việc này sang việc khác, thậm chí từ nghề này sang nghề khác”. Bạn Minh chia sẻ lý do đổi việc cho dù tiền lương không cao hơn, nhưng bạn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, được phát huy năng lực đúng chuyên môn và có nhiều cơ hội phát triển bản thân. Nhờ sinh hoạt giới trẻ, bạn An có nhiều dịp trao đổi việc chọn nghề với nhiều bạn trẻ, năng lực bản thân được va chạm thực tế mỗi khi nhận tham gia phục vụ các sự kiện, thực hiện các chương trình, tập điều hành các nhóm với vai trò trưởng nhóm, được trải nghiệm những thành quả của các hoạt động nhóm,…“Lao động thăng hoa đặc tính làm người.” John Hardon S.J
1.2 “Việc làm có thể chi phối họ sử dụng thời gian và xác định những gì họ có khả năng làm hoặc mua sắm. Nó còn có thể quyết định chất lượng và số lượng thời gian rảnh rỗi của người trẻ”.
“Đừng bao giờ quá bận rộn kiếm sống đến nỗi quên cả sống.” Khuyết danh
Người trẻ sẽ quan tâm đến sinh hoạt giới trẻ và đăng ký tham gia, trong những ngày nghỉ, khi biết trước chương trình mục vụ giới trẻ hằng năm, hằng tháng, hằng tuần… Nhiệm vụ của ban điều hành giới trẻ tại các giáo xứ là nghiên cứu, và thiết kế chương trình mục vụ phù hợp thời điểm để người trẻ không “quên sống” khi mà mọi người “quá bận rộn kiếm sống”.
1.3 “Công việc định hình và tác động lên tính cách của người trẻ, quan niệm của họ về bản thân, và nó chiếm một vị trí quan trọng trong việc phát triển tình bạn và các mối tương quan vì công việc thường được làm chung với người khác”. “Lao động tốt… cho nhân tính con người… làm cho mình “trở nên người hơn.” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005). LE 9
1.4 “Thanh niên nam nữ nói về công việc như thể hoàn thành một chức năng và mang lại một ý nghĩa. Công việc cho phép người trẻ thỏa mãn các nhu cầu thực tế của bản thân, nhưng quan trọng hơn là để tìm kiếm ý nghĩa cũng như thực hiện những ước mơ và tầm nhìn của mình. Mặc dù công việc có thể không giúp người trẻ đạt được ước mơ, nhưng điều quan trọng đối với người trẻ là nuôi dưỡng tầm nhìn, học cách dấn thân hết mình cho công việc, và tiếp tục phân định lời mời gọi của Chúa”.
Khi đồng hành với người trẻ trong nghề nghiệp, là Giáo hội giúp người trẻ phát triển toàn diện như Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2019.
2. ƠN GỌI TRONG NGHỀ NGHIỆP
“Khi chúng ta khám phá ra rằng Chúa đang kêu gọi mình làm một điều gì đó, rằng chúng ta được tạo thành để làm một nghề nào đó – có thể đó là điều dưỡng, thợ mộc, truyền thông, kỹ thuật, giảng dạy, nghệ thuật hoặc bất cứ công việc gì – chúng ta sẽ có thể tập trung các năng lực tốt nhất của mình để hy sinh, quảng đại và cống hiến”. Giúp người trẻ khám phá ra điều này là giúp họ tìm được nguồn lực quý báu cho cuộc đời, động lực này khiến người trẻ dễ dàng vượt qua những khó khăn, khơi dậy tiềm năng để sáng tạo và dấn thân không mệt mỏi trước những nhu cầu của xã hội và của Giáo hội.
“Biết rằng ta không làm những việc đó chỉ vì phải làm, nhưng thay vào đó ta ban tặng cho chúng một ý nghĩa, như một lời đáp lại tiếng gọi đã vang lên trong sâu thẳm con người ta là phải mang đến một cái gì đó cho tha nhân: chính điều này mang đến cho những nghề nghiệp ấy ý nghĩa của sự viên mãn sâu sắc. Như ta đọc thấy trong Giảng Viên, một quyển sách cổ xưa của Thánh Kinh, rằng: “Tôi nhận thấy rằng, đối với con người, không có gì tốt hơn là được hưởng những thú vui do công việc chính mình làm ra” (3,22).
3. LOAN BÁO TIN MỪNG QUA NGHỀ NGHIỆP CHO NGƯỜI TRẺ
3.1 Người trẻ cùng lao động với Thiên Chúa
Trong Tông huấn Đức Kitô Vẫn Sống, số 269, Đức Phanxicô mời gọi các bạn trẻ đừng mong chờ một cuộc sống không làm việc, lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác. Điều này không tốt, vì “lao động là cần thiết, là một phần ý nghĩa của cuộc sống nơi thế gian này, là một con đường để trưởng thành, phát triển con người và hoàn thiện bản thân. Theo nghĩa này, việc giúp đỡ tài chính cho người nghèo phải luôn được xem là một giải pháp tạm thời khi đối diện với những nhu cầu cấp bách”. Vì thế, “cùng với việc thích thú chiêm ngưỡng vũ trụ như cách chúng ta thấy nơi Thánh Phanxicô Assisi, truyền thống linh đạo Kitô giáo còn phát triển một cách hiểu rất phong phú và cân bằng về ý nghĩa của lao động, ví dụ như trong cuộc đời của thánh Charles de Foucauld và các học trò của ngài”.
Chúa Giêsu đã học được nghề từ khi còn nhỏ và làm nghề khi lớn. Ngài đã dành ba năm cho sứ vụ công khai, nhưng Ngài lại dành gấp mười lần quãng thời gian đó cho cuộc sống trong đời sống gia đình yên tĩnh và chăm chỉ làm việc với Thánh Giuse là thợ mộc. Chúng ta thường chú ý đến những gì Chúa Giêsu đã rao giảng và làm trong ba năm cuối đời, nhưng cũng có một sứ điệp rất quan trọng trong cách Ngài sống.
3.2 Việc vì người không phải người vì việc
Bạn là hữu thể người, không phải cái máy làm việc vô hồn. Công việc là quan trọng, tốt lành và cần thiết. Tuy nhiên, bất chấp những sứ điệp của một xã hội bị ám ảnh bởi năng suất và thành tích, thì công việc không phải là tất cả. Đó không phải là cùng đích của chúng ta, nó không tạo ra chúng ta, và nó không nên tách chúng ta ra khỏi mọi người. Lao động là một phần của những gì chúng ta được tạo dựng để thực hiện, nhưng chúng ta không được dựng nên vì nó. Bạn có thể nói rằng Thiên Chúa đã tạo ra công việc cho con người, chứ không phải con người cho công việc.
Công việc có một phẩm giá vì nó được thực hiện bởi con người – tuy nhiên phẩm giá của con người, cả nam lẫn nữ, không phụ thuộc công việc họ làm. Xã hội thường làm ngược lại, nhưng trong sự khôn ngoan tuyệt vời của mình, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ngày nghỉ Sabát, một phần là để bảo vệ chúng ta tránh biến công việc thành một thứ ngẫu thần. Và khi chúng ta nhớ tôn trọng phẩm giá của những người bạn đồng loại của mình, chúng ta sẽ không rơi vào bẫy xác định một con người bằng việc mà họ làm.
3.3. Người trẻ được quan tâm về quyền lợi
Thượng Hội Đồng Giám Mục 15 lưu ý rằng trong lĩnh vực việc làm, người trẻ có thể “trải nghiệm các hình thức bị loại trừ và bị gạt ra bên lề, mà trước tiên và nghiêm trọng nhất là tình trạng thất nghiệp của giới trẻ đang tăng rất cao ở một số quốc gia. Bên cạnh điều làm cho họ nghèo đi, tình trạng thất nghiệp còn ảnh hưởng tiêu cực lên khả năng mơ ước và hy vọng của người trẻ, và tước mất của họ khả năng đóng góp cho xã hội. Ở nhiều nước, tình trạng này còn do việc người trẻ thiếu kỹ năng chuyên môn phù hợp trong một số lãnh vực, có thể do những thiếu sót trong hệ thống giáo dục và đào tạo. Thông thường, tình trạng bấp bênh trong công việc của giới trẻ liên quan đến lợi ích kinh tế của việc khai thác lao động”.
Trong danh mục các quyền con người, có một số quyền liên quan cụ thể đến việc làm. Vì các chính phủ có trách nhiệm soạn thảo pháp luật bảo vệ nhân quyền, nên nhà nước cũng phải quan tâm đến việc thông qua luật bảo vệ các quyền của người lao động. Cũng như các quyền khác, quyền của người lao động bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của họ với tư cách một con người. Trong những vấn đề thất nghiệp, lao động nhập cư, nghỉ sanh, tiền lương, và tất cả các vấn đề lao động khác, điều quan trọng cần nhớ là không chỉ lợi nhuận và các khoản thiệt hại đang bị đe dọa – cốt lõi của vấn đề là con người, được Thiên Chúa yêu mến.
4. LOAN BÁO TIN MỪNG QUA NGHỀ NGHIỆP VỚI NGƯỜI TRẺ
4.1 Cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp cận người trẻ
“Người trẻ biết đâu là cách tốt nhất để quy tụ nhau lại”. Có thể nói đó là “nghề” của người trẻ.
Từ những cách sắp xếp thời gian của việc làm đến việc lựa nghề cho hợp với việc chung, các sinh hoạt mục vụ giới trẻ giúp bạn trẻ có nhiều cơ hội phát hiện năng khiếu, phát triển tiềm năng. Khi được đáp ứng nhu cầu thăng tiến bản thân qua nghề nghiệp và được thể hiện chính mình, người trẻ thích đến với các hoạt động của giáo xứ.
“Người trẻ biết cách tổ chức các sự kiện, các hội thao, cũng như cách loan báo Tin Mừng thông qua mạng xã hội, qua các tin nhắn văn bản, bài hát, video và những phương tiện truyền thông khác. Họ chỉ cần được khuyến khích và tạo một khoảng không tự do để có thể loan báo Tin Mừng cho những người trẻ khác ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh”.
Để tiến hành các chương trình hoạt động, mục vụ giới trẻ bao gồm rất nhiều nghề: IT, PR, MC, DJ, lập trình, âm nhạc,…
“Khi Tin Mừng được loan báo, dù trong một kỳ tĩnh tâm, một cuộc trò chuyện tại quán bar, vào những kỳ nghỉ, hay trong bất cứ đường lối diệu kỳ nào của Chúa, chính lúc đó, kinh nghiệm sâu sắc về đức tin trong ta sẽ được thức tỉnh. Điều quan trọng nhất là mỗi người trẻ có dám gieo hạt giống Tin Mừng trên mảnh đất màu mỡ nơi con tim của người trẻ khác hay không. (210)
Việc thành lập ban mục vụ giới trẻ khởi đi từ việc có một nơi sinh hoạt, hay đơn giản hơn là có một cái bàn để quy tụ người trẻ đến với nhau.
4.2 Cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăng tiến người trẻ
“Về việc tăng trưởng, tôi muốn nhấn mạnh một điều quan trọng. Ở một số nơi, người trẻ được nâng đỡ để có được những kinh nghiệm mạnh mẽ về Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu chạm đến trái tim họ. Nhưng chuỗi sự kiện sau đó lại là một loạt các cuộc họp nói về các vấn đề tín lý và luân lý, sự dữ trong thế giới ngày nay, về Giáo hội, học thuyết xã hội, về đức khiết tịnh, hôn nhân, sinh con có kế hoạch… Kết quả là, nhiều người trẻ chán nản, mất đi ngọn lửa nhiệt tình với Chúa Kitô và niềm vui bước theo Ngài; nhiều người bỏ cuộc, còn những người khác thì nản chí hoặc trở nên tiêu cực. Thay vì quá chú trọng truyền đạt thật nhiều lý thuyết, trước tiên, chúng ta hãy cố gắng thức tỉnh và củng cố những kinh nghiệm tuyệt vời nhằm duy trì đời sống Kitô hữu”. (212)
Mục vụ giới trẻ cần chú ý tạo cho người trẻ nhiều cơ hội trải nghiệm để khám phá bản thân và để nhận ra khả năng đến với người khác. Những kinh nghiệm này thật quý báu cho người trẻ dấn thân trong lãnh vực nghề nghiệp của mình.
“Hãy chọn lấy một nghề bạn yêu thích,
rồi bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào nữa trong đời.” (Ngạn ngữ Châu Á)
5. PHÂN ĐỊNH TRONG NGHỀ NGHIỆP
Ơn phân định: Đưa ra những quyết định và định hướng nghề nghiệp cho người trẻ, đặc biệt trong trường hợp bấp bênh “là một nơi rất tốt để thực hành phân định, một thuật ngữ cổ điển của truyền thống Giáo hội áp dụng cho nhiều tình huống khác nhau. Quả thật, một hình thức của sự phân định được thực hành qua việc đọc được những dấu chỉ của thời đại, điều này dẫn đến việc nhận ra sự hiện hữu và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử. Sự phân định đạo đức phân biệt được điều tốt và điều xấu. Vẫn còn một sự phân định khác, sự phân định tâm linh, hướng đến việc nhận ra sự cám dỗ để nhằm tiến bước trên con đường dẫn đến sự sống viên mãn”.
Khi đến với nhau trong các hoạt động nhóm, những chuyến đi từ thiện, những hoạt động thiện nguyện, người trẻ luôn tự chất vấn là: “Tài năng của một con người có thể được phát huy tốt nhất ở đâu: một đời sống chuyên môn, công việc thiện nguyện, phục vụ người cần giúp đỡ hoặc tham gia vào đời sống dân sự và chính trị?
Thần Khí nói và hoạt động qua những việc xảy ra trong đời sống của mỗi người, những điều còn chưa rõ ràng hay mơ hồ, đến mức độ họ có thể mở ra những hướng giải thích khác. Lúc này cần phải có sự phân định rõ để tỏ lộ ý nghĩa của chúng và để đưa ra một quyết định. Ba động từ trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng số 51, được sử dụng để mô tả sự phân định, cụ thể là, “nhận biết,” “làm sáng tỏ,” và “lựa chọn,” có thể giúp hướng dẫn trong việc vạch ra một lộ trình phù hợp cho các cá nhân hay nhóm và các cộng đoàn”.
Lộ trình này còn được gọi là “ xem”–“xét”–“làm”.
1/ Nhận biết / Xem
Trên hết, việc “nhận biết” mối quan tâm về những diễn biến của cuộc sống, những thách thức mà người trẻ gặp phải, cũng như những gì mà chúng ta lĩnh hội thông qua việc lắng nghe và học hỏi ảnh hưởng đến đời sống nội tâm, cụ thể là “những ham muốn, cảm nhận và cảm xúc” (Amoris laetitia, 143), và những biểu hiện đa dạng của họ: nỗi buồn, sự thất vọng, sự thỏa mãn, sự sợ hãi, niềm vui, sự bình an, cảm giác trống rỗng, dịu dàng, tức giận, hy vọng, thờ ơ,… Nếu không có sự minh định rõ ràng để hành động và thời gian để trải nghiệm nó có thể gây nên một sự đấu tranh nội tâm thực sự.
Ở giai đoạn này, Lời Chúa có tầm quan trọng rất lớn. Các giai đoạn “nhận biết” tập trung vào khả năng lắng nghe cũng như cảm nhận và cảm xúc của một người, mà không tránh được những nỗ lực gian nan của sự im lặng, một bước quan trọng trong sự phát triển cá nhân, đặc biệt dành cho những người trẻ tuổi đang trải qua những áp lực lớn hơn với cường độ của những ham muốn khác nhau.
Có rất nhiều yếu tố tình cảm cần được xem cách kỹ lưỡng khi lựa chọn nghề. Tình cảm đó có thể mạnh ở giai đoạn đầu nhưng yếu dần theo thời gian như cách nói “bạo phát, bạo tàn”, dẫn đến tâm trạng chán nản sau một thời gian trải nghiệm nghề nghiệp đã chọn.
2/ Sáng tỏ / Xét
Việc “nhận biết” những gì đã được thử qua là chưa đủ. Bước tiếp theo là “làm sáng tỏ”, hay nói cách khác, là thấu hiểu và thực thi những thông điệp mà Thần Khí linh hứng nơi mỗi cá nhân. Thông thường, một người sẽ dừng lại hồi tưởng về một trải nghiệm nào đó, với ý thức rằng điều đó tạo ra một “ấn tượng sâu sắc”. Tuy nhiên, khó khăn lớn hơn là ở việc tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của những ham muốn và cảm xúc mà con người đã trải nghiệm và xác minh xem liệu chúng có được dẫn dắt theo chiều hướng có ảnh hưởng tích cực hay là tiêu cực đến cá nhân của một ai đó.
Một trong nhiều yếu tố mà người trẻ quan tâm là bản thân thích nghề gì? Thích làm việc như thế nào?
Giai đoạn làm sáng tỏ này rất nhạy cảm, đòi hỏi sự kiên nhẫn, cảnh giác và thậm chí là cần có một sự hiểu biết nhất định. Việc “làm sáng tỏ” những mong ước và những cảm xúc bên trong cần một sự đối chiếu chân thành, dưới ánh sáng của Lời Chúa, với những đòi hỏi đạo đức trong đời sống Kitô hữu, để tìm cách áp dụng chúng nơi những hoàn cảnh cụ thể mà mỗi người đang kinh nghiệm.
Trong đời sống đức tin, người trẻ làm sáng tỏ bản thân khi soi chiếu Tin mừng vào nghề nghiệp muốn chọn.
Quá trình “làm sáng tỏ” được thực hiện trong một cuộc đối thoại nội tâm với Thiên Chúa, với việc vận dụng hết mọi khả năng của một con người. Tuy nhiên, sự trợ giúp của một người có kinh nghiệm trong việc lắng nghe Thần Khí, là một sự hỗ trợ quý báu mà Giáo hội tặng ban cho con cái của mình, và sẽ là sự thiếu khôn ngoan khi người trẻ khước từ món quà quý giá đó.
3/ Lựa chọn / Làm
Không thiếu những người trẻ lựa chọn nghề mới, hoặc phải bắt đầu một khởi động mới cho một nghề cũ. Những trải nghiệm này sẽ giúp làm phong phú khả năng phân định cho bản thân.
“Một quyết định cần phải được chứng minh bằng thực tế để xem đó có phải là một quyết định đúng hay không. Một sự lựa chọn không thể bị giữ kín ở bên trong như thể nó là một sự ảo tưởng hoặc một điều gì đó không thực tế – vốn là một mối nguy hiểm chính yếu của nền văn hóa đương đại ngày nay – nhưng được mời gọi để biến thành hành động, tạo nên sự biến đổi, dấn thân vào cuộc hành trình, chấp nhận đương đầu với những rủi ro tác động mạnh mẽ đến những ước muốn và cảm xúc ban đầu. Để từ đó, những khát vọng và cảm xúc mới sẽ phát sinh trong giai đoạn này; “nhận biết” và “làm sáng tỏ chúng” sẽ cho phép ta nhận ra đâu là quyết định đúng đắn hay thích đáng để tôi lượng giá lại một lần nữa. Vì thế, “bước ra bên ngoài” là hết sức quan trọng, dù cho nỗi sợ mắc phải sai lầm, đã được tiên liệu, có thể làm cho cho ta bị sao nhãng”.
Tiến trình Xem–Xét–Làm áp dụng cho cá nhân người trẻ, cho việc hiệp hành cùng người trẻ của Giáo hội, cũng như cho việc thành lập mục vụ giới trẻ tại giáo xứ. Không chỉ đánh giá mục vụ giới trẻ qua những gì đã làm được, mà còn nhận định xem người trẻ đã được phát triển thế nào khi dành thời gian cho hoạt động giới trẻ. Tới giai đoạn nào đó của tiến trình phát triển, chúng ta có thể gọi Mục vụ Giới trẻ là một “nghề” như bao nhiêu nghề khác.
Trích Bản tin HiệpThông / HĐGMVN, Số 130 (Tháng 7 & 8 năm 2022)
Tin cùng chuyên mục:
Biết ơn trường đời
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết