Gặp Chúa nơi những bệnh nhân
Cuộc đời mỗi người khi được hiện hữu trên cõi nhân sinh ai cũng mong muốn cho mình cũng như người thân được sống trong sự an bình, hạnh phúc và vui tươi, để tận hưởng mọi điều thú vị trong cuộc sống trần gian mà không phải lo toan, bận tâm về bất cứ điều gì. Mỗi người sinh ra đều mang trong mình những hoàn cảnh khác nhau, làm nên sự đa dạng cho xã hội, hiện sinh bên người giàu là những người khó khăn, nghèo đói; có những người quyền cao chức trọng thì cũng có những con người thấp cổ bé miệng chỉ biết khép mình mà không dám lên tiếng; có những con người được yêu thương thì cạnh đó cũng có những người bị hắt hủi bởi xã hội hay thậm chí bởi chính những người thân yêu; những con người khỏe mạnh đi cùng đó là những con người yếu ớt, bệnh tật,….
Là thành viên trong gia đình Hiệp Hội Đa Minh Tin Mừng, với thừa tác trao Mình Thánh Chúa vào mỗi sáng Chúa nhật hằng tuần, tôi được có cơ hội đến bệnh viện để thăm viếng các bệnh nhân, và hơn hết là giúp các bệnh nhân được lãnh nhận “thần dược thiêng liêng” khi họ không có cơ hội đến nhà thờ tham dự Thánh lễ. Băng qua những con đường tấp nập người để đến với những bệnh nhân, trước mắt tôi là những đoàn người đang hối hả lao mình về phía trước với những nỗi lo toan của cuộc sống. Cuộc đời của mỗi con người đều trải qua những cảnh sống khác nhau, nó tựa như con đường có lúc thẳng, lúc cong và đôi khi có những ngã rẽ… Với sự chỉ dẫn của các chị trong cộng đoàn, tôi đến với những con người ấy. Khi sinh ra họ được đầy tràn nhựa sống, tương lai xán lạn và là trụ cột của gia đình, nhưng dòng đời đã đưa đẩy họ vào một ngã rẽ đầy khó khăn và thương cảm. Đó là những “hình ảnh sống” mà tôi nhìn thấy và chạm được tại các bệnh viện, gồm bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An, bệnh viện 115 và một số bệnh viện khác trong khu vực thành phố Vinh.
Trong nhịp sống của quá khứ và hiện tại, tôi đã từng trải qua và chứng kiến những nỗi khó khăn, đau khổ khi đặt chân đến với nhà thương. Nhưng với những gì bản thân tôi và những người thân trải qua chưa là gì so với những mảnh đời bất hạnh ở chốn này. Những chuyến đi ấy đã để lại cho tôi những bài học, những cảm nghiệm và đặt tôi vào những suy nghĩ: Tại sao có những người phải chịu nhiều đau khổ như vậy? Chúa có thương họ không mà lại để họ bị như vậy? Đó chỉ là những câu hỏi trong hàng ngàn câu hỏi khác nhau mà chưa có câu trả lời. Và đến khi tôi đọc – cảm nghiệm được câu Lời Chúa: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta” (Mt 25.34-36). Tôi chợt nhận ra rằng, chính tôi lúc này đây đang là cánh tay Chúa gởi đến để xoa dịu họ.
Nghĩ lại lần đầu được gọi tên trong thừa tác vụ trao Mình Thánh Chúa, tôi đã ngập ngừng vì lo lắng, lo vì không biết khi gặp các bệnh nhân tôi sẽ nói những gì, chia sẻ với họ ra sao? Rất nhiều nỗi lo âu cứ ùa về loanh quanh trong tâm trí tôi, đó như là những cám dỗ ngăn việc tôi mang Chúa đến cho những bệnh nhân. Lời Chúa như thức tỉnh tôi và ơn Người đủ cho tôi (2Cr 12,9). Cuối cùng tôi cũng bước đi đến với những người đang khao khát sự hiện diện của Chúa trong môi trường bệnh viện. Tôi đã được gặp gỡ và tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân dù là công giáo hay người ngoại, tất cả đều được chúng tôi đến hỏi thăm và trao những nụ cười cũng như những lời động viện, khích lệ giúp họ có thể có được những suy nghĩ tích cực hơn dù đang trong hoàn cảnh họ không mong muốn. Mỗi lần bước chân ra khỏi cổng bệnh viện để trở về, lòng tôi không khỏi ngậm ngùi và cảm thương cho những số phận không may mắn đó, tôi không có tiền để có thể giúp đỡ cho họ về vật chất, cũng như không có nhiều thời gian để nâng đỡ họ về mặt tinh thần. Nhưng với đức tin của người theo Chúa, tôi tin với những lời cầu nguyện đơn sơ của chúng tôi, Chúa sẽ đoái thương nhìn đến những mảnh đời bất hạnh đó, và giúp đỡ, an ủi họ để họ cảm nhận được sự yêu thương và bình an trong chính tâm hồn.
Nhìn lại quãng thời gian thi hành sứ vụ, tôi đã nhận được nhiều điều hơn tôi tưởng, tôi cứ nghĩ sẽ mất thời gian để thực hiện những chương trình của cá nhân mà tôi đã soạn sẵn. Nhưng khi được đến với họ, chính tôi đã nhận được những bài học quý giá về cuộc sống từ những con người đó, qua họ tôi mới không thể phàn nàn hay than trách gì với Chúa khi tôi gặp một chút khó khăn trong đời sống hay trong ơn gọi của tôi, qua chính cuộc sống của họ, tôi không còn tham lam mơ tưởng gì về bản thân mà mình đang muốn thêm, qua số phận của họ, tôi cần biết phải tạ ơn Chúa mỗi giây phút vì cho đến hiện tại tôi vẫn còn bình an và khỏe mạnh hơn nhiều người khác, cũng chính qua họ tôi học được cách cảm thông và biết chia sẻ với người khác, và tôi có thêm nhiều thao thức cũng như ý thức giúp tôi sống biết ơn và tốt hơn mỗi ngày. Qua những người bệnh, giúp tôi ý thức giới hạn về sự mong manh của kiếp người. Cuộc đời mai hậu mới là chốn để mỗi người hướng đến và đi tới, ý thức cuộc đời này là cõi tạm để sống tỉnh thức và khôn ngoan với tháng ngày Chúa ban mà hướng về đời sống vĩnh cửu mai sau “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv. 90,12).
Trong tông huấn “Ánh sáng đức tin”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Bàn tay đức tin chúng ta hướng lên trời, như thể chúng ta đang xây dựng một lâu đài đức ái dựa trên những tương quan thân hữu, trong đó tình yêu Thiên Chúa trở nên nền móng của tòa lâu đài này”. Thiết nghĩ mỗi người hãy luôn biết quan tâm đến người khác, nhất là với những người bệnh, qua việc cảm thông, yêu thương, nâng đỡ, chia sẻ. Ước mong, mỗi người luôn có được đôi mắt nhân từ, trái tim thương cảm, vòng tay rộng mở của Chúa để nhạy bén với những nhu cầu, nỗi đau, thất vọng, mệt mỏi của bệnh nhân.
Kim Oanh
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ